Đề án thanh toán không dùng tiền mặt đã cơ bản thành công
Nhiều đơn vị Kho bạc Nhà nước đã triển khai thành công Đề án thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: TL

Nhiều đơn vị kho bạc đã hoàn thành đề án

Từ nhiều năm trở lại đây, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong phối hợp, kết nối trao đổi dữ liệu thu, chi qua môi trường mạng (dịch vụ công trực tuyến và các kênh thanh toán điện tử). Đồng thời, KBNN đã rất nỗ lực trong việc mở rộng phối hợp thu ngân sách nhà nước (NSNN) với các hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) và cùng các ngân hàng này phát triển, đa dạng hóa các phương thức thu NSNN hiện đại như thu NSNN qua Cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công của cơ quan thu, qua ATM, internet banking, mobile banking, qua các điểm chấp nhận thẻ POS của NHTM…

Đặc biệt, ngày 29/4/2022, KBNN đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong toàn hệ thống đến năm 2025. Đây chính là giải pháp để ngành Kho bạc nhanh chóng hiện thực hóa việc TTKDTM trong giao dịch. Đến nay, đã có nhiều đơn vị KBNN triển khai thành công đề án này.

Đơn cử như tại KBNN Hải Phòng, sau hơn 1 tháng triển khai đề án, đến ngày 22/5/2022, tại các đơn vị thuộc và trực thuộc KBNN Hải Phòng không còn phát sinh thu, chi tiền mặt tại đơn vị. Nói về kết quả này, ông Ngô Duy Hùng - Giám đốc KBNN Hải Phòng cho biết, ban lãnh đạo đơn vị đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng nghiệp vụ, KBNN trực thuộc, phân công chi tiết, thời hạn thực hiện và trách nhiệm của từng cá nhân trong việc triển khai thực hiện đề án.

Đồng thời, KBNN Hải Phòng tổ chức ký thỏa thuận ủy quyền thu tiền mặt và thu phạt vi phạm hành chính với 13 hệ thống NHTM trên địa bàn, trong đó nêu rõ trách nhiệm của từng bên, nguyên tắc phối hợp xử lý công việc để tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng thực hiện giao dịch bằng tiền mặt tại ngân hàng. Bên cạnh đó, KBNN Hải Phòng đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ của các NHTM về công tác thu NSNN, thanh toán song phương trên cổng dịch vụ công, trên hệ thống thu NSNN của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan; thành lập các nhóm hỗ trợ trực tiếp phối hợp cùng với các NHTM để xử lý các vướng mắc phát sinh hàng ngày.

Đặc biệt, KBNN Hải Phòng phân công công chức trực tại cổng cơ quan trao đổi, vận động, thuyết phục người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch bằng tiền mặt tại KBNN Hải Phòng và các KBNN quận, huyện; trực tiếp đưa khách hàng sang NHTM để hướng dẫn thực hiện giao dịch thu chi tiền mặt; tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để từ đó, người dân và doanh nghiệp hiểu và tự hình thành được thói quen không dùng tiền mặt.

KBNN Hà Nam cũng là một điển hình trong việc thực hiện thành công sớm Đề án TTKDTM. Ông Lê Thanh Phương - Giám đốc KBNN Hà Nam chia sẻ, công tác phối hợp thu NSNN với các cơ quan thu và NHTM đã được KBNN Hà Nam hết sức chú trọng, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất và đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi nhân dân, đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS) cũng như việc thu, nộp thuế, thực hiện nghĩa vụ của người dân, doanh nghiệp với NSNN cho dù đơn vị có giao dịch tại đâu và bằng hình thức nào.

Tỷ lệ thu, chi ngân sách bằng tiền mặt qua Kho bạc còn rất thấp

Với sự nỗ lực của cả hệ thống KBNN trong thực hiện Đề án TTKDTM thời gian qua đã đưa đến kết quả số thu, chi NSNN bằng tiền mặt qua KBNN luôn chiếm một tỷ lệ tương đối nhỏ trong tổng thu, chi NSNN qua KBNN và có xu hướng giảm dần qua các năm. Đơn cử như cuối năm 2021, tỷ lệ thu, chi NSNN bằng tiền mặt so với tổng thu, chi NSNN qua KBNN lần lượt là 0,33% và 0,57%, đến cuối năm 2022 chỉ còn là 0,16% và 0,36%.

Theo đó, trong những ngày đầu triển khai, giao dịch tiền mặt tại trụ sở KBNN Hà Nam hầu như không còn phát sinh. “Từ giữa tháng 7/2022 đến nay, cơ quan KBNN tỉnh và các KBNN huyện đã tuyệt đối không còn phát sinh thu chi bằng tiền mặt tại trụ sở. Các giao dịch, thu chi bằng tiền mặt (rất ít) được thực hiện tại các hệ thống NHTM và NHTM nơi KBNN mở tài khoản thanh toán, phối hợp thu NSNN” - ông Phương cho biết.

Với KBNN Bà Rịa - Vũng Tàu, xác định việc TTKDTM là nhiệm vụ quan trọng, là điều kiện tiên quyết bắt buộc để giảm dần tỷ lệ thu, chi bằng tiền mặt qua KBNN và tiến tới hình thành kho bạc không có tiền mặt, đơn vị đã quán triệt, phổ biến đến công chức trong đơn vị về mục đích, yêu cầu và các mục tiêu cụ thể của đề án. Đồng thời, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy TTKDTM thuộc lĩnh vực KBNN trên địa bàn.

Đặc biệt, KBNN Bà Rịa - Vũng Tàu đã chủ động tuyên truyền, vận động các đơn vị giao dịch hạn chế rút tiền mặt tại trụ sở KBNN, nhất là đối với các tài khoản chi nhỏ lẻ. Khi có nhu cầu chi tiêu bằng tiền mặt sẽ thực hiện rút tiền tại NHTM có kết nối thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu trên cơ sở các khoản chi đã được các đơn vị KBNN kiểm soát chi, đảm bảo đúng chế độ quy định đối với các khoản chi được phép chi bằng tiền mặt.

Tuy nhiên, theo bà Trịnh Thị Loan – Phó Giám đốc KBNN Bà Rịa – Vũng Tàu, các giao dịch thanh toán bằng tiền mặt tại đơn vị vẫn chưa giảm được triệt để. Vì trong nhiều trường hợp, mặc dù có thể thực hiện nộp NSNN bằng các hình thức TTKDTM hoặc nộp tiền mặt tại NHTM nhưng người nộp ngân sách vẫn lựa chọn đến KBNN để nộp tiền. Do đó, KBNN vẫn phải thực hiện việc thu này theo đúng quy định. Hiện nay, số chi tiền mặt tại các trụ sở của hệ thống KBNN Bà Rịa - Vũng Tàu còn chiếm 0,3% so với tổng số chi thường xuyên NSNN và chi đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh…

Đích đến rất gần

Để cuối năm 2025 không còn giao dịch chi bằng tiền mặt và tiếp tục giảm các giao dịch thu bằng tiền mặt tại kho bạc, hiện cả các đơn vị KBNN đã thực hiện thành công đề án hoặc các đơn vị còn phát sinh một lượng nhỏ tiền mặt trong giao dịch đang tiếp tục đưa ra giải pháp để góp phần cùng toàn hệ thống sớm hoàn thành đề án.

Ông Ngô Duy Hùng cho biết, thời gian tới, KBNN Hải Phòng tiếp tục tăng cường vận động người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ tiện ích của NHTM và các công cụ thanh toán QR-Code, mobile-money, ví điện tử, mobile-banking,… để nộp NSNN được thuận lợi. Đồng thời, đơn vị sẽ mở rộng mạng lưới tài khoản phục vụ thu ngân quỹ nhà nước của KBNN Hải Phòng tại các hệ thống NHTM; phối hợp với cục thuế, cục hải quan và các NHTM, các sở, ngành triển khai thu NSNN theo mã định danh khoản thu để giảm thiểu truyền nhận thông tin giữa các cơ quan, tạo điều kiện đẩy mạnh các hình thức thu hiện đại...

Là đơn vị chỉ còn một lượng nhỏ tiền mặt trong giao dịch, KBNN Bà Rịa - Vũng Tàu cũng sẽ tiếp tục mở rộng tài khoản chuyên thu với NHTM để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, người dân nộp NSNN các khoản thu học phí, viện phí bằng phương thức giao dịch hiện đại, không dùng tiền mặt.

Đồng thời, KBNN Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với cơ quan thuế, cơ quan hải quan, các cơ quan liên quan tuyên truyền đến tổ chức, người dân nộp thuế, phí, lệ phí, nộp phạt vi phạm giao thông, nộp phạt vi phạm hành chính khác qua Cổng dịch vụ công quốc gia và qua các kênh giao dịch hiện đại của các NHTM như internet banking, mobile banking, ATM, qua máy POS, qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan.

KBNN Bà Rịa - Vũng Tàu cũng sẽ tiếp tục vận động đơn vị SDNS tăng cường thực hiện các khoản chi không dùng tiền mặt qua ngân hàng; kiểm soát chặt chẽ các khoản chi bằng tiền mặt của đơn vị SDNS, kiên quyết từ chối các khoản chi bằng tiền mặt không đúng quy định.

Giảm rủi ro thất thoát tiền mặt tại kho bạc

Việc triển khai thành công Đề án TTKDTM tại các đơn vị KBNN đã tạo tiền đề tiết kiệm kinh phí hoạt động của đơn vị trong thời gian tới. Khi trong kho không còn tiền mặt, ấn chỉ có giá, tài sản quý tạm gửi, tạm giữ do KBNN nhận bảo quản, các đơn vị KBNN có cơ sở thực hiện phân công lại công việc đối với các công chức thủ kho, kiểm ngân; bố trí lại các vị trí, không gian làm việc… Đồng thời, việc không còn tiền mặt trong kho sẽ giảm rủi ro thất thoát tiền mặt tại các kho bạc quận, huyện.