Kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định
Ngày 8/11 tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025). Sự kiện có chủ đề “Khai thông & bứt phá”, quy tụ hơn 20 diễn giả là những chuyên gia uy tín trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, bất động sản…
Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội Khoá XV, đại biểu Quốc hội khóa XV, thông tin tích cực về kinh tế - xã hội năm 2024. Ảnh: Đỗ Doãn |
Trong năm 2024, thị trường chứng khoán và nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là từ chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Trong nước, thanh khoản trong lĩnh vực bất động sản suy giảm, làm gia tăng sự thận trọng từ phía nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi các tín hiệu rõ ràng hơn về sự phục hồi kinh tế để định hướng chiến lược cho năm tới.
Dù vậy, Việt Nam vẫn nổi lên như một điểm sáng thu hút dòng vốn FDI tiếp tục tăng trưởng ổn định. Chính phủ Việt Nam đã đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao theo xu hướng phát triển bền vững, cùng với đó là tiêu chuẩn ESG đang dần trở thành yếu tố quan trọng thu hút dòng vốn quốc tế vào Việt Nam, đặc biệt trong các dự án năng lượng tái tạo và thân thiện với môi trường.
Tính đến quý III/2024, Việt Nam đã đạt 14/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, dự kiến cả năm nay sẽ đạt hết 15 chỉ tiêu. Riêng tăng trưởng GDP, Chính phủ rất mong muốn không những đạt mà còn vượt chỉ tiêu do Quốc hộ đề ra này. Kết quả này nhìn chung là khá tích cực nếu nhìn lại năm 2023, mặc dù rất nỗ lực nhưng chỉ đạt 10/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội. |
Tại diễn đàn, các diễn giả đã phân tích các biến số vĩ mô trong nước và quốc tế 2025, đưa ra những dự báo chính sách tiền tệ và tài khóa, tác động lên môi trường kinh doanh và đầu tư 2025, phân tích về các yếu tố ảnh hưởng đến xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư toàn cầu và đầu tư vào Việt Nam.
Quan điểm chung của các diễn giả đều cho rằng, với sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô, chính sách đầu tư hạ tầng và cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, Việt Nam đang khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư toàn cầu. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần nắm bắt những cơ hội này để xây dựng chiến lược phát triển bền vững và hiệu quả trong giai đoạn tới.
Các diễn giả là chuyên gia kinh tế, tài chính chia sẻ những yếu tố tác động đến dòng tiền đầu tư vào Việt Nam. Ảnh: Đỗ Doãn |
Thể chế cải cách theo hướng giải quyết vấn đề hiệu quả hơn
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội Khoá XV, đại biểu Quốc hội khóa XV, thông tin Quốc hội đang họp, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025 và xem xét quyết định nhiều nội dung quan trọng.
Tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến thông qua 19 luật và nghị quyết mang tính quy phạm về phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, Quốc hội đang thảo luận cho ý kiến 12 dự án luật và nghị quyết khác. Việc cải cách thể chế hiện nay có điểm khác với giai đoạn trước.
Thứ nhất là có khái niệm Quốc hội họp bất thường. Việc họp bất thường để xây dựng thể chế đảm bảo tính kịp thời. Khi mà xã hội đòi hỏi, nhà đầu tư đòi hỏi và nền kinh tế đòi hỏi thì Quốc hội cũng không thể ngồi chờ đợi được.
Điểm thay đổi thứ hai là sử dụng nhiều hơn phương thức cải cách thể chế toàn diện, đồng bộ và giải quyết ngay. Cụ thể, liên quan đến việc xây dựng chương trình pháp luật, Quốc hội đã sửa cùng lúc nhiều luật có mối liên hệ mật thiết với nhau. Ví dụ trong năm 2023, đầu năm 2024, 3 luật: nhà ở, bất động sản và đất đai được sửa đồng thời, sẽ đảm bảo tốt tính tương thích, đồng bộ giữa các luật.
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội đang xem xét, sửa đổi 2 đạo luật, có thể gọi là 1 luật sửa nhiều luật. Luật thứ nhất 1 luật sửa 8 luật gồm: chứng khoán, kế toán, kiểm toán, ngân sách nhà nước, tài sản công, quản lý thuế. Luật thứ 2 là 1 luật sửa 4 luật gồm: đầu tư, quy hoạch, PPP (đối tác công tư) và đấu thầu. Cách làm thể hiện quyết tâm cải cách thể chế kịp thời, toàn diện, đồng bộ, xử lý ngay những vấn đề vướng mắc và cấp bách.
Toàn cảnh Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025. Ảnh: Đỗ Doãn |
Điểm thứ ba chưa từng có trong tiền lệ là Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, bản chất không phải luật đất đai vướng sửa đổi mà đưa luật đất đai có hiệu lực sớm hơn thời hạn 5 tháng.
''Điểm khác cuối cùng, là Quốc hội sử dụng khái niệm “Nghị quyết thí điểm” để giải quyết những vấn đề cấp thiết, cấp bách chưa đủ cơ sở xây dựng thành luật. Cụ thể, Quốc hội đang xem xét nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Tiếp theo là nghị quyết thí điểm về xử lý tài sản vụ án dân sự, hình sự…'' - ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, từ nay đến cuối năm, Quốc hội sẽ quyết định vấn đề lớn, các quyết sách lớn về kinh tế xã hội, các dự án đầu tư lớn và công cuộc về xây dựng, cải cách thể chế kỳ vọng sẽ được khai thông, bứt phá, thu hút sự quan tâm lớn của dòng vốn đầu tư toàn cầu |