Rủi ro pháp lý trong hoạt động của doanh nghiệp

Quản trị và kiểm soát rủi ro pháp lý trong hoạt động của doanh nghiệp
Doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ pháp lý của luật sư
Ngành Thuế những năm qua rất quan tâm đến việc hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp, người nộp thuế. Ảnh tư liệu minh họa

Doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến vấn đề pháp lý

Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN) được thành lập, đồng nghĩa và tỷ lệ thuận với việc gia tăng cả về số lượng, quy mô rủi ro mà DN phải đối mặt. Rủi ro pháp lý cần được đặc biệt quan tâm bởi có phạm vi rất rộng, thiệt hại không thể lường trước và tiềm ẩn tại mọi thời điểm hoạt động của DN.

Đó là lý do Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương, ban hành nhiều chính sách, đạo luật quan trọng khuyến khích các tổ chức, cá nhân, luật sư, luật gia am hiểu về pháp luật tham gia hỗ trợ pháp lý (HTPL) cho DN, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của luật sư.

Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương, ban hành nhiều chính sách, đạo luật quan trọng khuyến khích các tổ chức, cá nhân, luật sư, luật gia am hiểu về pháp luật tham gia hỗ trợ pháp lý (HTPL) cho DN, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của luật sư .

So với các chủ thể khác, đội ngũ luật sư có nhiều thuận lợi hơn khi HTPL vì được đào tạo kiến thức pháp luật nền tảng và pháp luật về DN; phải qua khóa đào tạo nghiệp vụ, tập sự nghề bài bản; có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm thực tế với DN; có bản lĩnh nghề nghiệp đặc thù; thường xuyên cập nhật, góp ý dự thảo quy định, kỹ năng vận dụng văn bản pháp luật có lợi nhất; tính bảo mật cao. Vì thế, DN sẽ hoạt động tự tin, an toàn, bảo mật, hiệu quả hơn rất nhiều khi có luật sư đồng hành.

Luật sư có thể hỗ trợ DN theo nhiều hình thức như: tư vấn pháp luật thường xuyên; hỗ trợ, tư vấn khởi tạo; đại diện ngoài tố tụng; tìm kiếm đối tác, nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại đầu tư; tư vấn pháp luật tài chính - ngân hàng; tư vấn về hợp đồng, giao dịch; hỗ trợ DN tránh nợ xấu, xử lý nợ khó đòi; tư vấn giải quyết tranh chấp, đại diện tranh tụng...

Các hoạt động hỗ trợ pháp lý cụ thể

Tư vấn pháp luật thường xuyên: Trong việc ký kết hợp đồng tư vấn pháp lý dài hạn, luật sư sẽ giúp DN rà soát, kiểm tra, thẩm định mọi vấn đề, tài liệu, hồ sơ về pháp lý trước khi chủ DN có quyết định cuối cùng. Theo đó, luật sư sẽ hỗ trợ DN rất kịp thời và sâu sát, như là pháp chế của DN.

Hỗ trợ, tư vấn khởi tạo DN: “Vạn sự khởi đầu nan” luôn đúng với chủ DN bắt đầu kinh doanh, đầu tư. Về pháp lý, luật sư có thể giúp chủ DN hiểu về: cấu trúc giao dịch hợp tác - đầu tư, lựa chọn loại hình DN; thành lập - tổ chức lại DN; mua bán - chuyển nhượng cổ phần; sáp nhập - chuyển đổi loại hình DN; quản trị DN - nhân sự - quản lý tài chính, thuế; sở hữu trí tuệ; giao dịch hợp đồng đầu tư - mua bán - vay vốn - thế chấp - chuyển nhượng vốn; xây dựng quy chế - quy định - mẫu biểu nội bộ chuẩn mực, phù hợp với DN...

Tư vấn quản trị, tái cấu trúc, cổ phần hóa DN: Cho dù là DN nào, công việc này mang tính chiến lược, vô cùng phức tạp và khó khăn, đòi hỏi phải thực hiện bởi luật sư giàu kinh nghiệm, có hiểu biết chuyên sâu về cấu trúc tổ chức, vận hành DN để giúp chủ DN quyết định lựa chọn, áp dụng loại hình cấu trúc tổ chức, vận hành phù hợp.

Thực tế, có mô hình cấu trúc phù hợp và thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển DN trong giai đoạn này, nhưng lại cản trở, hạn chế hoạt động DN trong giai đoạn khác. Những bất cập này có thể được tháo gỡ, giải quyết khi DN có luật sư đồng hành.

Đại diện ngoài tố tụng: Khi DN không muốn hoặc không có điều kiện để đàm phán với đối tác, làm việc với các cơ quan công an, tòa án, thuế hoặc cơ quan nhà nước khác, luật sư có thể đại diện cho DN để thực hiện hiệu quả các công việc này.

Kết nối đối tác, nghiên cứu thị trường, xúc tiến đầu tư: Qua công việc, luật sư có mạng lưới liên kết rộng với nhiều DN, có kinh nghiệm - hiểu biết nhất định về thị trường, có dữ liệu về các đầu mối, khả năng hợp tác - kết nối kinh doanh, do đó sẽ là địa chỉ tin cậy giúp các DN kết nối đối tác đầu tư, kinh doanh.

Tư vấn pháp luật tài chính - ngân hàng: Vay vốn kinh doanh là hoạt động thực tế rất thông dụng của DN. Tuy nhiên, DN chỉ có thể vay vốn an toàn và phát huy tối đa hiệu quả vốn vay nếu biết áp dụng và phát huy tối đa tính hợp pháp, thông lệ pháp lý của loại giao dịch này. LS sẽ giúp DN tránh được rủi ro bị “bẫy” phạt, “bẫy” lãi, các rủi ro về phạt thuế, truy thu thuế tiềm tàng của chế độ tự kê khai, tự nộp thuế; giúp DN xây dựng, hoàn thiện phương án vay vốn ngân hàng hoặc huy động vốn an toàn từ các nguồn khác.

Doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ pháp lý của luật sư
Doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ pháp lý của luật sư. Ảnh tư liệu minh họa

Tư vấn pháp luật hợp đồng: Tính an toàn của bất kỳ hợp đồng nào đều chỉ được đảm bảo nếu hợp đồng đó chấm dứt/kết thúc mà không phát sinh tranh chấp. Điều này thường chỉ có được khi tiên liệu đúng hướng, đầy đủ về các diễn biến, rủi ro pháp lý có thể phát sinh. LS sẽ giúp DN không chỉ ký kết được mà còn chấm dứt hợp đồng an toàn bởi những điều khoản đúng luật, phù hợp tập quán thương mại, chặt chẽ và đầy đủ.

Tránh nợ xấu, xử lý nợ khó đòi: Các khoản nợ khó đòi luôn là gánh nặng tài chính và tiềm ẩn rủi ro lớn của DN, thường phát sinh do không thấu hiểu bản chất pháp lý, cấu trúc hợp đồng. Luật sư sẽ giúp DN đánh giá tính khả thi về pháp lý của giao dịch, thẩm định năng lực đối tác, soạn thảo - đàm phán - ký kết - giám sát thực hiện hợp đồng để ràng buộc tối đa trách nhiệm thanh toán, đảm bảo tính chủ động của DN trong mọi tình huống; giúp DN nhận định điểm tử huyệt của giao dịch, đánh giá năng lực tài chính của đối tác, tư vấn phương án kiểm soát, thu hồi nợ nhanh chóng, hiệu quả, hợp pháp.

Giải quyết tranh chấp, đại diện tranh tụng

DN có thể sẽ phải đối mặt với nhiều loại tranh chấp khác nhau như tranh chấp hợp đồng, tranh chấp với cơ quan nhà nước, tranh chấp ngoài hợp đồng, hay các khiếu nại, khiếu kiện khác... Khi đó, DN cần có sự đồng hành, HTPL để tham gia việc thương lượng, hòa giải hay tranh tụng tại tòa án/trọng tài thương mại.

Luật sư sẽ đánh giá và tư vấn cho DN lựa chọn được phương án giải quyết tranh chấp đơn giản, tiết kiệm thời gian, chi phí, mang lại lợi ích tối đa; đồng thời là đầu mối giúp DN lựa chọn và sử dụng những dịch vụ pháp lý liên quan như: công chứng, thẩm định giá, đấu giá, kiểm toán, thừa phát lại,…