Chính sách tài khóa - “cú hích” hỗ trợ nền kinh tế Ngày mai sẽ diễn ra Diễn đàn “Đối thoại chính sách tài khoá hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội” Chính sách tài khóa - “Chìa khóa” thành công của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội
Doanh nghiệp tin tưởng vào thành công của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư

Ưu đãi tối đa cho doanh nghiệp

Ngày 11/1/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43 về Chính sách tài khoá tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Về chính sách tài khoá, Nghị quyết 43 của Quốc hội đã quyết định giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với nhiều nhóm hàng hoá, dịch vụ; cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 cho kỳ tính thuế 2022; tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023; Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động; tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm.

Đến ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết 11 của Chính phủ đã nêu rất rõ mục tiêu của chương trình là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.

Để hiện thực hoá các mục tiêu trên, Nghị quyết 11 đã đưa ra một số giải pháp rất quan trọng như giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ; cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.

Bên cạnh đó, giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022 đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022.

Nhiều vấn đề doanh nghiệp quan tâm

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, các chính sách, giải pháp của Chính phủ là khá đồng bộ với nguồn lực đủ lớn để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023.

Ngay từ khi ban hành Nghị quyết 11 của Chính phủ đã được dư luận trong và ngoài nước, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và tin tưởng rằng với việc thực hiện thành công chương trình này, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và đạt tốc độ tăng trưởng từ 6,5 - 7% như Nghị quyết đã đề ra.

Với gói hỗ trợ này, Tạp chí Nhà đầu tư và Thời báo Tài chính Việt Nam đã nhận được nhiều câu hỏi và đề xuất của các doanh nghiệp – nhà đầu tư.

Trong đó tập trung vào quá trình cũng như thời gian ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế; các biện pháp quan trọng nhất để thúc đẩy tổng cầu; các tiêu chí cụ thể để doanh nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ,...

Đồng thời, nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc áp dụng chính sách giảm thuế GTGT một cách thống nhất; giải pháp kiềm chế giá dầu nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng,…

Những nội dung này sẽ được Bộ Tài chính chia sẻ, giải đáp tại Diễn đàn này./.