Cả nước hiện có 298 thương nhân phân phối xăng dầu

Cụ thể, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho hay, đến nay, trên thị trường cả nước hiện có 298 thương nhân phân phối tham gia kinh doanh xăng dầu.

Việc các doanh nghiệp trả lại giấy phép không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Doanh nghiệp trả lại giấy phép không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh xăng dầu

Cả nước hiện có 298 thương nhân phân phối xăng dầu. Ảnh: Hải Anh

Từ đầu năm 2024 đến nay, có 16 thương nhân đề nghị trả lại và Bộ đã thực hiện việc thu hồi Giấy chứng nhận theo đề nghị của doanh nghiệp theo quy định.

Thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, thời gian qua, Bộ Công thương đã đề nghị các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối báo cáo việc duy trì điều kiện làm thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu theo quy định.

Qua báo cáo, rà soát, nhiều thương nhân phân phối đã không duy trì được điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu theo quy định, các thương nhân đã chủ động trả lại Giấy chứng nhận.

Việc tham gia và rút khỏi thị trường của các doanh nghiệp nói chung vẫn diễn ra thường xuyên, trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện cũng không là ngoại lệ. Năm 2023, có thời điểm số thương nhân phân phối xăng dầu lên đến hơn 330 thương nhân. Đến nay, thị trường còn 298 thương nhân phân phối tham gia.

Việc các thương nhân phân phối xăng dầu không duy trì điều kiện làm thương nhân phân phối và trả lại Giấy chứng nhận, nếu họ tiếp tục kinh doanh xăng dầu thì họ sẽ lựa chọn hình thức khác như làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho các thương nhân phân phối, hoặc thương nhân đầu mối khác, khi đó các cửa hàng của họ vẫn hoạt động bình thường.

Nếu họ không tiếp tục kinh doanh xăng dầu thì họ chuyển nhượng, hoặc cho thuê cơ sở vật chất cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác để tiếp tục kinh doanh. Như vậy, về cơ bản các cửa hàng xăng dầu vẫn hoạt động bình thường.

Không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu

Trước tình hình nêu trên, Bộ Công thương khẳng định, không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu phục vụ người dân và nền kinh tế.

Cụ thể, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, Bộ Công thương đã giao tổng nguồn tối thiểu (gồm nhập khẩu và mua xăng dầu trong nước) cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Từ đầu năm đến nay, về cơ bản các đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm túc tổng nguồn tối thiểu được phân giao nguồn cung xăng dầu về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu.

Doanh nghiệp trả lại giấy phép không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh xăng dầu

Không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu. Ảnh: Hải Anh

Tổng nguồn nhập khẩu và mua xăng dầu trong nước ước thực hiện quý II/ 2024 khoảng 6,35 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Ước tiêu thụ quý II/2024 khoảng 6,3 triệu m3/tấn. Tồn kho xăng dầu khoảng 1,7 - 1,8 triệu m3/tấn, về cơ bản đảm bảo đủ nhu cầu cho tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.

Qua công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật của các thương nhân kinh doanh xăng dầu, các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xăng dầu từ trung ương đến địa phương đã nắm bắt sâu sát hơn với tình hình hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, những khó khăn, vướng mắc để có những giải pháp quản lý, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp hơn với bối cảnh, tình hình.

Với nhiệm vụ được giao về quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục thực hiện các giải pháp sau.

Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc Công điện 1437 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 01/CT-BCT của Bộ Công thương về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.

Thứ hai, tiếp tục chỉ đạo các thương nhân sản xuất và kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm túc kế hoạch sản xuất đã đăng ký; tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 đã được phân giao và kế hoạch thực hiện tổng nguồn hàng quý đã đăng ký.

Thứ ba, thực hiện việc dự trữ xăng dầu theo quy định, duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, liên tục, nhất là các dịp cao điểm, bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống. Chú trọng chia sẻ nguồn cung, chia sẻ lợi nhuận trong hệ thống phân phối hợp lý nhằm đảm bảo không bị gián đoạn việc cung ứng xăng dầu.

Để tăng cường giám sát quản lý thị trường, Bộ Công thương cho biết, toàn ngành sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu theo kế hoạch nhằm chấn chỉnh hệ thống kinh doanh xăng dầu hoạt động theo quy định; tiếp tục tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu trình Chính phủ trong tháng 6/2024.