Đối thoại giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng thực thi pháp luật hải quan

Hải quan Hà Nội đối thoại với doanh nghiệp logistics và đại lý hải quan tháng 11/2023. Ảnh: Hồng Vân.

Hàng trăm cuộc đối thoại

Để hoạt động đối thoại giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp (DN) đạt hiệu quả cao hơn, ngay từ đầu năm, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã giao chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023. Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện nâng cao chất lượng đối thoại, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho DN.

Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, cơ quan hải quan các cấp cũng đã thực hiện hơn 100 cuộc đối thoại, với sự tham gia của hàng nghìn DN có hoạt động XNK. Thông qua các cuộc đối thoại, nhiều vấn đề đã được làm rõ. Đặc biệt, cơ quan hải quan ghi nhận nhiều vướng mắc phát sinh của DN hầu hết liên quan đến các thủ tục hành chính có tính chất liên ngành. Đó là căn cứ cơ quan hải quan nghiên cứu, trao đổi, phối hợp với các cơ quan liên quan để có giải đáp nhanh nhất cho DN.

Là một trong những địa phương được đánh giá tổ chức tốt hoạt động đối thoại DN, Cục Hải quan Lạng Sơn đã áp dụng đa dạng cách thức tiếp nhận, giải đáp vướng mắc, kiến nghị của DN về thực hiện các quy định chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực hải quan. Theo ông Nguyễn Hồng Linh - Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, với phương châm đồng hành, chia sẻ khó khăn với DN, cơ quan hải quan luôn coi DN là đối tác hợp tác, vì vậy, bên cạnh tăng cường tổ chức hội nghị đối thoại để tiếp nhận ý kiến tập trung từ phía DN, thời gian qua, cơ quan hải quan duy trì thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết phản ánh, kiến nghị từ cộng đồng DN qua các kênh thông tin như: hòm thư góp ý, website của đơn vị, số điện thoại đường dây nóng, trực tiếp tại các địa điểm làm thủ tục hải quan… để kịp thời tiếp nhận, giải quyết vướng mắc của DN.

Tại Hà Nội, cơ quan hải quan thường chia ra đối thoại cụ thể với các DN theo lĩnh vực, ngành hàng. Ông Hoàng Quốc Quang - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hà Nội cho rằng, điều này sẽ giúp tăng cường hợp tác với các hiệp hội DN, hiệp hội ngành hàng, các DN dịch vụ xuất nhập khẩu. Qua đó, các DN xuất nhập khẩu sẽ tăng lưu lượng hàng hóa về làm thủ tục hải quan tại các chi cục trực thuộc Hải quan Hà Nội.

Tại Hà Tĩnh, thời gian gần đây, hội nghị đối thoại của cơ quan hải quan được tổ chức trực tiếp, trực tuyến hoặc kết hợp 2 hình thức. Vì vậy, hiệu quả của công tác này được phát huy, lan tỏa, được cộng đồng DN đánh giá cao. Ông Đinh Văn Hòa - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Tĩnh chia sẻ, đơn vị mong muốn qua đối thoại, các DN thẳng thắn nêu vướng mắc, khó khăn, đề xuất kiến nghị với cơ quan hải quan. Đồng thời có ý kiến đóng góp về thái độ phục vụ của cán bộ công chức hải quan… để xem xét có giải pháp phục vụ DN tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao

Đối thoại giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng thực thi pháp luật hải quan

Hiệu quả của các cuộc đối thoại với cơ quan hải quan cũng được cộng đồng DN đánh giá cao, góp phần xử lý, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi hơn trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam, qua đối thoại, việc hợp tác giữa cơ quan hải quan và cộng đồng DN ngày càng đi vào thực chất, không dừng lại ở việc tập huấn, giải đáp vướng mắc, kiến nghị, mà cơ quan hải quan đã tham vấn DN, luôn đồng hành cùng DN trong quá trình xây dựng chính sách.

Bà Đặng Thủy Duyên - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại XNK Lâm Duyên (phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn) chia sẻ, DN thường xuyên làm thủ tục xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm sản qua các cửa khẩu của tỉnh, các chi cục hải quan tại cửa khẩu rất cầu thị, tiếp thu các ý kiến của DN thông qua những cuộc đối thoại. Vì vậy, thủ tục hải quan đã được đơn giản hóa rất nhiều.

Trong khi đó, ông Nguyễn Vũ Trụ - Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển máy Việt Nam (VIMID) nhận định, cơ quan hải quan đang ngày càng coi DN là đối tác, đồng hành để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn, có sự đồng thuận cao, tạo sự tự nguyện trong tuân thủ các pháp luật liên quan hải quan nói riêng và pháp luật nói chung. Thời gian trước, DN khi khai báo làm thủ tục hải quan và nếu bị nhắc nhở, xử phạt cũng không biết mình đã sai ở đâu, gặp vướng thì phải trao đổi với ai để được hướng dẫn, nhưng nay, bất cứ thời điểm nào, khi có vướng mắc, DN đều có thể trao đổi, gọi điện, gặp trực tiếp yêu cầu cán bộ hải quan hướng dẫn rõ ràng, chi tiết.

Qua các buổi trao đổi từ thực tế cho thấy, sự tương tác giữa cơ quan hải quan và cộng đồng DN là rất quan trọng. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời vướng mắc, theo đại diện Vụ Pháp chế - Tổng cục Hải quan, cơ quan hải quan mong muốn DN chủ động hơn nữa trong việc phản hồi những khó khăn, vướng mắc khi thực thi pháp luật. Đồng thời, tích cực đóng góp, đề xuất giải pháp cho cơ quan quản lý trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các luật liên quan tới lĩnh vực thuế, hải quan nhằm đảm bảo tính khả thi, sự công bằng, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện của các văn bản pháp luật.

Tổ chức đối thoại về thủ tục hành chính hải quan

Dự kiến giữa tháng 12/2023, Bộ Tài chính phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính với DN Việt Nam về chính sách, thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2023. Hội nghị sẽ tập trung vào 2 nội dung chính: Thông tin tổng hợp những thay đổi về chính sách, thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực thuế, hải quan và đối thoại, giải đáp khó khăn, vướng mắc cho DN trong quá trình thực thi chính sách pháp luật thuế, hải quan, góp ý xây dựng các văn bản pháp luật từ phía các DN.