Ngành gỗ xuất khẩu đạt 18 tỷ USD
Dự kiến đến quý II/2023, các đơn hàng của ngành gỗ cơ bản được khôi phục. Ảnh: NNK

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 16,928 tỷ USD, vượt 3,8% kế hoạch đề ra, tăng 6,1% so với năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 15,85 tỷ USD, tăng 7% (xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 10,9 tỷ USD, giảm 1,3% so với năm 2021). Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU là 5 thị trường xuất khẩu chính gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam với tổng giá trị xuất khẩu ước đạt gần 15,5 tỷ USD, chiếm 91% giá trị xuất khẩu lâm sản.

Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2022 ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 4% so với 2021. Như vậy, ngành lâm sản năm nay xuất siêu khoảng 14,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2021.

Năm 2023, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu: Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5-5,5%. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 42%. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 17,5 tỷ USD. Trồng rừng tập trung 245.000 ha, trồng 140 triệu cây phân tán, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác 22 triệu m3, thu dịch vụ môi trường rừng khoảng 3.000 tỷ đồng.

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, nửa cuối năm 2022, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ đối mặt với khó khăn do thiếu vốn, thiếu nguyên liệu đầu vào và giá tăng cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị ảnh hưởng. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đã phải cắt giảm lao động, hạn chế sản xuất do không tiêu thụ được sản phẩm.

Theo ông Đỗ Xuân Lập, từ nay đến hết quý 1/2023 thị trường gỗ có thể vẫn còn chịu sức ép giảm sút khoảng 50% khả năng tiêu thụ. Nếu suôn sẻ, đến cuối quý I/2023, lượng hàng tồn cơ bản sẽ được tiêu thụ hết. Hàng đồ gỗ chế biến sâu như bàn, ghế, tủ… có thể thâm nhập trở lại các thị trường lớn.

"Dự kiến đến quý II/2023, các đơn hàng cơ bản được khôi phục, đạt khoảng 82-85%. Đây được xem là điểm khởi sắc trong năm mới. Năm 2023, ngành gỗ kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng từ 7-9%, tương đương 18 tỷ USD trở lên" - ông Đỗ Xuân Lập nhận định.

Để đạt mục tiêu này, ông Lập cho biết, ngành gỗ sẽ tiếp tục tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp bằng việc áp dụng đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh sử dụng gỗ rừng trồng trong nước, giảm sử dụng gỗ nhập khẩu; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số để giảm chi phí sản xuất; đẩy mạnh sản xuất phát thải thấp; phối hợp các địa phương xây dựng các khu công nghiệp chế biến tập trung; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hội chợ quốc tế lớn. Đặc biệt, phấn đấu từ năm 2024, sẽ đều đặn tổ chức 4 hội chợ lớn/năm...

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét việc cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp; tăng cường kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài vào trồng rừng và kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi giải ngân vốn vay cho doanh nghiệp.../.