Giá đường khó xác lập kỷ lục, hồ tiêu ổn định những tháng cuối năm
Sản xuất đường tại một nhà máy. Ảnh: minh họa

PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình thị trường giá cả mặt hàng đường, tiêu từ đầu năm 2023 đến nay?

Giá đường khó xác lập kỷ lục, hồ tiêu ổn định những tháng cuối năm
Ông Dương Đức Quang

Ông Dương Đức Quang: Từ đầu năm tới nay, xu hướng giá của hai mặt hàng đường và tiêu có sự trái ngược. Trong 9 tháng năm 2023, giá đường thế giới và tại thị trường nội địa đã chứng kiến nhiều đợt tăng giá, trong đó có một đợt tăng kỷ lục. Hiện giá đường thô đã tăng gần 40%, đẩy giá giao dịch hiện tại trên Sở Giao dịch liên lục địa New York (ICE-US) đã lên mức 606,9 USD/tấn, chạm đỉnh gần 12 năm. Tương tự như vậy, giá đường trắng trên Sở Giao dịch liên lục địa châu Âu (ICE-EU) cũng đang ở mức 745,5 USD/tấn, cao nhất trong 12 năm. Tại thị trường nội địa, giá bán ra tại các nhà máy cũng dao động từ 26.000 - 28.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá đường nóng trong thời gian qua không phản ánh cung - cầu đường ở thời điểm hiện tại.

Về mặt hàng tiêu, diễn biến giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu thấp hơn hẳn so với cùng kỳ năm 2022 và có xu hướng đi ngang trong quý III/2023. Theo cập nhật mới đây của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), 9 tháng, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam ở mức 3.312 USD/tấn, giảm 25% so với cùng kỳ.

Ba tháng quý III năm nay, giá tiêu đen trong nước tương đối ổn định, dao động quanh mức 69.000 - 72.000 đồng, tăng 1.500 - 2.000 đồng/kg so với thời điểm cuối quý II. Tuy nhiên, so với mức đỉnh là 74.000 - 77.000 đồng/kg đạt được vào tháng 5/2023, giá đã giảm khoảng 6.000 đồng/kg, tương đương 6%.

PV: Xin ông cho biết nguyên nhân nào ảnh hưởng đến việc tăng, giảm giá các mặt hàng trên?

Ông Dương Đức Quang: Nguyên nhân ảnh hưởng đến giá của các mặt hàng trên chủ yếu xuất phát từ tâm lý thị trường trước những tác động về chính sách của các nước tiêu thụ và cung cấp lớn. Ngoài ra, gần đây, cuộc xung đột giữa Israel - Hamas cũng đang thay đổi ít nhiều tình hình thương mại thế giới.

Về mặt hàng đường, một trong những yếu tố chính làm giá đường cán nhiều mốc cao mới trong thời gian qua là những lo ngại về nguồn cung, đặc biệt là thông tin về hạn ngạch xuất khẩu đường niên vụ 2023/2024 tại Ấn Độ. Hiện tượng El Nino đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất đường tại hai quốc gia sản xuất hàng đầu là Ấn Độ và Thái Lan. Mới đây, Tổ chức đường thế giới (ISO) còn dự đoán cán cân cung cầu đường niên vụ 2023/2024 sẽ thâm hụt khoảng 2,2 triệu bao do sản lượng sụt giảm, trong khi nhu cầu vẫn tăng với tốc độ 1 - 2%/năm.

Đặc biệt, trong thời gian qua, thị trường cực kỳ nhạy cảm với tin đồn Ấn Độ có thể cấm xuất khẩu đường trong niên vụ mới. Tuy nhiên, đến giữa tháng 10, Chính phủ nước này chỉ quyết định gia hạn lệnh siết xuất khẩu đường. Thêm vào đó, giá dầu căng thẳng trong thời gian dài đã khiến các nhà máy sản xuất đường ưu tiên mía ép cho chiết suất xăng sinh học - ethanol, tâm lý lo lắng về nguồn cung thắt chặt đã kéo giá đường đi lên.

Nguồn cung đường 2 tháng cuối năm ổn định

Sau những biến động bất thường do ảnh hưởng từ thời tiết, nguồn cung đường trong 2 tháng cuối năm khả năng cao sẽ quay về mức tăng trưởng ổn định. Trong đó, nguồn cung đường niên vụ 2023/2024 tại Brazil dồi dào, sản lượng có thể lên 42 triệu tấn, tăng 10% so với niên vụ trước và xuất khẩu cũng tăng 14% lên mức 32 triệu tấn. Hơn nữa, tâm lý thị trường cũng thở phào vì chính sách dễ chịu hơn của Ấn Độ nên giá sẽ không bị tác động nhiều. Ông Dương Đức Quang

Với mặt hàng tiêu, tôi cho rằng có hai nguyên nhân chính giữ giá tiêu đi ngang trong giai đoạn quý III, bất chấp đà tăng mạnh hồi đầu quý II. Thứ nhất, giá hạt tiêu tại thị trường nội địa chững hoặc có thời điểm giảm là do nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc đều chậm lại, trong bối cảnh đồng USD và lạm phát cao. Triển vọng đồng USD tăng mạnh khiến các nhà nhập khẩu không muốn dự trữ hàng. Do vậy sức mua cầm chừng và chờ đợi những diễn biến mới từ tỷ giá USD.

Thứ hai, cuộc xung đột giữa Israel - Hamas diễn ra bất ngờ và có nguy cơ ngày càng lan rộng làm dấy lên lo ngại đối với nhu cầu tiêu thụ tiêu trên toàn cầu.

PV: Theo ông, trong những tháng cuối năm, dự báo giá những mặt hàng này có thể tăng giảm ra sao?

Ông Dương Đức Quang: Theo tôi, trong giai đoạn từ giờ đến cuối năm 2023, giá đường vẫn có cơ hội duy trì vùng giá cao, tuy nhiên sẽ khó để xác lập thêm kỷ lục giá cao mới. Mức giá giao động quanh 600 USD/tấn đối với đường thô nhiều khả năng sẽ xảy ra.

Những chuyển biến khó lường trong chiến tranh tại khu vực Trung Đông và khó khăn trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu đường trong nửa đầu tháng 10 tại Brazil đang giữ giá đường dao động tại vùng giá cao nhất 12 năm. Đây cũng sẽ là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến diễn biến giá từ giờ đến cuối năm.

Xét bối cảnh hiện nay, theo tôi, thị trường hồ tiêu nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng đi ngang và tương đối trầm lắng trong những tháng cuối năm. Bởi vì hiện nay, các nhà nhập khẩu gần như đã mua đủ hàng cho giai đoạn cuối năm.

Hai tháng cuối năm nay, nhiều khả năng nhập khẩu hạt tiêu của các thị trường tiếp tục giảm do nhu cầu thấp, suy thoái kinh tế và lạm phát vẫn duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, dự báo sản lượng tiêu của Việt Nam giảm trong năm tới nên có thể cung không đủ cầu, do đó, giá tiêu có thể đi lên vào năm sau.

PV: Xin cảm ơn ông!