Ngay từ đầu năm 2014 đến nay, giá tiêu bỗng nhiên bị tụt giá thê thảm, trong lúc giá tiêu trên các thị trường vẫn đứng ở mức cao. Để rộng đường dư luận, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Tụng - Chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) xung quanh câu chuyện giá hồ tiêu "tụt dốc" không phanh vừa qua.

* Giá tiêu bất ngờ tụt dốc không phanh từ đầu năm, với mức giá 170.000 đồng/kg xuống còn khoảng 120.000 đồng/kg, có ý kiến cho rằng, nông dân đang bị ép giá. Quan điểm của ông về ý kiến này?

- Do tác động của các nhà xuất nhập khẩu trong và ngoài nước, giá tiêu từ đầu vụ thu hoạch đến nay giảm liên tục, từ 160.000 -170.000 đồng/kg hồi cuối năm 2013 xuống dần chỉ còn 123.000 - 124.000 đồng/kg, thậm chí có lúc có nơi chỉ còn 120.000 đồng/kg.

Để giữ vững giá hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới, người nông dân cần nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cũng như liên kết với DN, bình tĩnh, chủ động điều tiết tiến độ mua, bán, XK.

ong tụng

Ông Trần Đức Tụng

Trong khi đó, giá tiêu tại thị trường Ấn Độ và các nước sản xuất và xuất khẩu chính như Indonesia, Malaysia,...và thị trường tiêu thụ như Mỹ, Châu Âu từ đầu năm 2014 đến nay vẫn ở mức rất cao.

Từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm là thời gian thu hoạch tiêu Việt Nam - nước sản xuất tiêu lớn nhất thế giới, chiếm trên 30% sản lượng toàn cầu. Vào thời gian này, các nhà nhập khẩu thế giới thường tập trung vào mua tiêu Việt Nam. Họ tìm mọi cách ép giá như đưa ra nhiều rào cản về chất lượng, dư lượng thuốc trừ sâu,... nhằm mua được giá rẻ và gom được nhiều hàng.

Thực ra, gần như các nhà nhập khẩu nước ngoài đều nhập khẩu tiêu của Việt Nam. Do vậy, cả thế giới nhắm vào Việt Nam và tìm cách mua với giá cạnh tranh. Nhà nhập khẩu không nhập thẳng từ nông dân mà qua trung gian nước ngoài, tác động với các nhà xuất khẩu nước, từ đó nhà xuất khẩu lại tác động đến nhà cung ứng Việt Nam.

Đây là một chuỗi lưu thông vận hành mà nhà nhập khẩu nước ngoài đứng đầu. Họ làm mọi cách để tối đa hóa lợi nhuận cho mình. Người nông dân có thể “cắt đuôi” những khâu trung này nhờ công tác thông tin, truyền thông từ internet… của Hội cung cấp về giá cả thế giới, dự báo vụ mùa.

* Vậy, còn có lí do gì khiến giá tiêu Việt Nam trượt dốc như thời gian qua không, thưa ông?

- Để đạt mục đích lợi nhuận tối đa, mua với giá thành có lợi nhất, họ có “thủ đoạn” là khi nhập khẩu những mặt hàng nông sản, họ đơn phương giám định, kiểm tra chất lượng sản phẩm của mình, đưa ra các tiêu chuẩn sản phẩm về dư lượng các chất thuốc trừ sâu, hóa chất…Nhưng không phải lúc nào các tiêu chuẩn đó được đưa ra một cách sòng phẳng và thường thì họ lấy đó như một cái cơ để ép giá.

* Theo ông người dân sản xuất tiêu cần phải làm gì để tránh thiệt thòi?

- Thực tế giá cả sản phẩm còn dựa trên vấn đề chất lượng, ngoài chế biến sâu để chế biến nên những sản phẩm chất lượng cao xuất khẩu thì xu hưóng bây giờ toàn thế giới là hướng đến sử dụng sản phẩm sạch. Vì vậy, bà con nông dân đang áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật, đi vào sản xuất chuyên canh theo hướng hữu cơ bền vững. Bà con cũng nhận thức được rằng, nếu lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật thì gây tổn hại tuổi thọ cây trồng, dễ bị sâu bệnh và ảnh hưởng tới môi trường.

hồ tiêu

Giá hồ tiêu đang giảm mạnh dù chỉ mới đầu vụ thu hoạch. Ảnh: Báo Gia Lai

Hiệp hội đã khuyến cáo bà con nông dân phải tự cứu lấy chính mình bằng cách chuyển từ canh tác tự phát sang canh tác chuyên canh theo hướng phát triển bền vững. Giảm và hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Có như vậy, sản phẩm hồ tiêu Việt Nam mới giữ vững vị trí hàng đầu trên toàn thế giới như hiện nay.

Khi các sản phẩm đạt chất lượng an toàn thực phẩm, có thể truy xuất nguồn gốc, thì nhà nhập khẩu không có lí do gì để vin vào ép giá thành sản phẩm.

Ngoài ra, trước diễn biến phức tạp của thị trường, giá cả, mọi thông tin xuôi chiều, hay trái chiều, chúng tôi khuyến cáo bà con nông dân và DN cần bình tĩnh, phân tích, tính toán trong việc mua bán, lưu trữ nguồn hàng; từ đó, chủ động điều tiết lượng mua bán, xuất khẩu sao cho giá tốt nhất. Nông dân cần hạn chế hoặc không bán tiêu giấy để tránh tình trạng khi giao hàng giá tăng dẫn đến thua lỗ. Nông dân và DN Việt Nam đã có bài học kinh nghiệm về bình ổn thị trường giá cả 7 năm qua, và đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Theo thông lệ, cứ vào đầu vụ thu hoạch nông dân thường phải bán tiêu để trả nợ và tiêu dùng cho tết cổ truyền. Do vây, bà con nông dân và DN nên đồng lòng để điều tiết lượng mua bán, xuất khẩu, không bán ồ ạt với giá thấp, đẩy giá xuống, rơi vào bẫy các nhà nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Hiệp hội sẽ luôn sát cánh cùng nông dân. Chúng tôi luôn đẩy mạnh việc thông tin như: thông tin giá cả thị trường quốc tế, làm tốt công tác phân tích, dự báo, khuyến cáo giá tiêu.

* Xin cảm ơn ông!

Khánh Linh (thực hiện)