Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đồng thời làm tổ trưởng tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động của dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch; Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực tổ công tác.

Gia Lai: Thành lập tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch
Thu hoạch chanh dây phục vụ xuất khẩu của Công ty cổ phần rau quả xuất khẩu DOVECO Gia Lai. Ảnh: TL

Theo đó, tổ công tác có nhiệm vụ tập trung chỉ đạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động của dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Chủ động phối hợp với Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan; tích cực nắm bắt, trao đổi, tiếp cận thông tin và kịp thời có các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân.

Chỉ đạo, hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo thực hiện phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19”, tăng tính chủ động, tự chủ và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp; đảm bảo sản xuất kinh doanh an toàn, phát triển kinh tế-xã hội, thích ứng với phòng-chống dịch. Rà soát, cắt bỏ thủ tục hành chính không cần thiết làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, sinh hoạt của người dân.

Trước đó, cuối tháng 8/2021, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, nông sản trong tình hình dịch Covid-19.

Tổ công tác có nhiệm vụ nắm bắt sát diễn biến thị trường và cung cầu hàng hóa, kịp thời tháo gỡ, xử lý các vướng mắc, khó khăn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin về thị trường, giới thiệu và kết nối tiêu thụ hàng hóa, nông sản của tỉnh với các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, doanh nghiệp phân phối nhằm đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ; đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương thông qua các sàn thương mại điện tử, góp phần phát triển kinh tế số nông thôn; hỗ trợ lưu thông, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nhanh, tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch.

Ngoài ra, tổ công tác còn hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống hiện tượng găm hàng, nâng giá, ép giá, bán hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái và hàng vi phạm sở hữu trí tuệ./.