FAO đã hạ dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu năm 2024 xuống còn 2.848 tỷ tấn. Ảnh tư liệu |
Cụ thể, chỉ số giá lương thực - do Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp quốc (FAO) tính toán dựa trên diễn biến giá của phần lớn các mặt hàng lương thực trên toàn cầu, đã tăng lên 127,4 điểm trong tháng 10, cao hơn 2% so với mức điều chỉnh của tháng 9 là 124,9 điểm. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số này đã tăng 5,5% và đang ở mức cao nhất kể từ tháng 4/2023.
Tuy nhiên, hiện chỉ số này vẫn thấp hơn 20,5% so với mức đỉnh đạt được vào tháng 2/2022, thời điểm bắt đầu nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine gây quan ngại về nguy cơ sẽ xảy ra khủng hoảng lương thực lớn trên thế giới.
Theo giải thích của FAO, giá tất cả các loại hàng hóa đều tăng, trừ thịt. Trong đó, riêng giá dầu thực vật tăng hơn 7% do những quan ngại về sản lượng dầu cọ.
Đáng chú ý, chỉ số giá lương thực trong tháng 10 tiếp tục kéo dài đà tăng ghi nhận trong tháng 9 vốn do tác động từ giá đường tăng. Những lo ngại về nguy cơ sụt giảm sản lượng đường trong mùa vụ 2024/2025 tại Brazil đã kéo giá mặt hàng này trong tháng 10 tăng 2,6% so với tháng 9.
Giá ngũ cốc cũng tăng 0,8% so với tháng 9, do lo ngại điều kiện gieo trồng không thuận lợi ở bán cầu Bắc và việc áp mức giá sàn đối với ngũ cốc xuất khẩu không chính thức của Nga. Ngoài ra, giá mặt hàng ngô cũng nhích nhẹ.
Trong một bản tin về ngũ cốc, FAO đã hạ dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu năm 2024 xuống còn 2.848 tỷ tấn, so với 2.853 tỷ tấn đưa ra trong dự báo trước đó 1 tháng, và giảm 0,4% so với sản lượng của năm 2023.
Đối với các sản phẩm từ sữa, giá bình quân tăng gần 2%, một phần vì giá phô mai và bơ đều tăng do nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung hạn chế. Trong khi đó, giá thịt nói chung giảm nhẹ 0,3%. Trong đó, giá thịt lợn giảm mạnh nhất, tiếp đến là giá thịt gia cầm, trong khi giá thịt bò tăng do nhu cầu tăng trên toàn cầu./.