Theo tổng hợp từ Bộ Tài chính, tổng vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh Hà Giang là trên 5.493,3 tỷ đồng (bao gồm cả vốn Thủ tường Chính phủ và địa phương giao thêm). Dự kiến đến hết tháng 6/2022, toàn tỉnh giải ngân được trên 763,6 tỷ đồng, đạt 13,9% kế hoạch vốn.

Đây là tỷ lệ rất thấp so với mặt bằng chung của cả nước hiện nay. Đặc biệt nguồn vốn ODA tại địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp khi mới đạt 1,1% so với kế hoạch vốn Chính phủ giao.

Giải ngân vốn ODA tại Hà Giang đạt thấp
Giải ngân vốn ODA tại Hà Giang đạt thấp. Ảnh minh họa: H.T

Theo báo cáo từ UBND tỉnh Hà Giang, hiện địa phương có 10 dự án bằng nguồn vốn ODA đang gặp khó khăn trong việc giải ngân vốn gồm: Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - Tiểu dự án tại Hà Giang; Dự án Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn - tiểu dự án tỉnh Hà Giang; Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8); Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở; Dự án Phát triển đa mục tiêu cho đồng bào dân tộc thiểu số các xã nghèo thuộc huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang; Dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố Hà Giang; Dự án Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương; Dự án Hệ thống cấp nước Suối Sửu về hồ dự trữ điều tiết nước trung tâm xã Phong Quang để bảo vệ nguồn nước trồng, bảo vệ rừng, rừng đặc dụng, chống hạn hán, phát triển nông lâm nghiệp, tận thu cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh môi trường cho xã Phong Quang huyện Vị Xuyên và Thành phố Hà Giang; Dự án Phát triển Giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất, giai đoạn 2; Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2018-2020.

Ngoài giá nguyên vật liệu tăng cao thì nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc các dự an này chưa thực hiện giải ngân hoặc mới đang giải ngân “nhúc nhắc” là do mưa lớn kéo dài bất thường trên diện rộng thời gian quan đã khiến việc thi công các công trình gặp nhiều khó khăn. Thậm chí một số vị trí xảy ra tình trạng ngập úng; một số nơi sạt lở đất, gây thiệt hại cho công trình.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA, giúp phục hồi phát triển kinh tế tại địa phương, UBND tỉnh Hà Giang đang tiếp tục yêu cầu chủ đầu tư các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022.

Đồng thời, UBND tỉnh Hà Giang yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, môi trường, giải phóng mặt bằng; giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, bảo đảm dự án tuân thủ đúng quy định của nhà tài trợ và các quy định của pháp luật. Hoàn thiện hồ sơ thanh toán sau khi có khối lượng được nghiệm thu, không để dồn đến cuối năm.

Đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, phải khẩn trương phê duyệt quyết toán, giải ngân hết kế hoạch vốn được giao. Hoàn tất các thủ tục đối với dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, báo cáo UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt...