Gỡ vướng về vật liệu xây dựng cho đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh
Phối cảnh dự án đường vành đai 3 TP. HCM. Ảnh minh họa

Nguồn cung gặp khó

Ngày 15/8/2022, Chính phủ đã phê duyệt đề án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP. HCM. Dự án đi qua 4 địa bàn gồm TP. HCM, Đồng Nai, Long An và Bình Dương. Tuyến đường sở hữu quy mô lớn, độ dài dự kiến lên đến 76.34 km và có tác động đa chiều tới tình hình kinh tế - xã hội trong khu vực.

Dự án đã được các địa phương lần lượt khởi công từ tháng 6/2023, với tổng vốn hơn 75.300 tỷ đồng. Toàn tuyến dự kiến hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Dự án thành phần 1 tại TP. HCM gồm 14 gói thầu xây lắp.

Theo ban quản lý dự án đường vành đai 3 TP. HCM, đơn vị được giao giữ vai trò điều phối chung, tổng nhu cầu cát đắp nền cho dự án đường vành đai 3 TP. HCM khoảng 9,3 triệu m3, trong đó riêng năm 2024 là 6,5 triệu m3 (riêng nhu cầu cát cho đoạn TP. HCM là 4,7 triệu m3).

Theo đánh giá tiến độ, khối lượng, cũng như dự báo từ các nhà thầu thi công dự án này đang gặp khó khăn trong tìm kiếm các nguồn cát đắp nền đường, do các tỉnh ưu tiên cung cấp cát cho các dự án của địa phương và đường cao tốc Bắc - Nam.

Ghi nhận tại tỉnh Bình Dương, dự án đường vành đai 3 TP. HCM đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương thi công cơ bản đáp ứng tiến độ. Hiện nay, 3 gói thầu xây lắp của dự án đã được triển khai thi công, gói thầu còn lại chuẩn bị công bố kết quả lựa chọn nhà thầu.

Cũng như TP. HCM và Bình Dương, các tỉnh Đồng Nai và Long An, nơi có tuyến đường thuộc vành đai 3, vấn đề nổi lên hiện nay là nguồn cát san lấp đang bị thiếu. Để đảm bảo tiến độ chung của toàn dự án, các địa phương đang rất cần có sự phối hợp để điều phối nguồn cung, chia sẻ từ các địa phương vùng lân cận.

Tại hội nghị trao đổi, hợp tác giữa các địa phương vùng Đông Nam bộ (ĐNB) lần thứ 4 mới đây, các địa phương trong vùng thống nhất một nội dung quan trọng là sẽ tiếp tục phối hợp đẩy nhanh các dự án xây dựng đường cao tốc, đường vành đai để tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó có dự án quan trọng là đường vành đai 3 TP. HCM.

Theo tiến độ dự án đường vành đai 3 TP. HCM, UBND TP. HCM đề xuất khối lượng cát đắp nền cụ thể: trong tháng 4 là 450 ngàn m3; tháng 5 là 330 ngàn m3; tháng 6-8 là 2,3 triệu m3; tháng 9-12 là 3,4 triệu m3.

Tuyến đường vành đai 3 được đầu tư theo quy mô cao tốc vận tốc 100km/giờ, quy mô phân kỳ 4 làn xe và đường song hành hai bên (đường đô thị 2-3 làn xe) đầu tư không liên tục.

Cam kết sẻ chia

Trước yêu cầu cấp thiết đặt ra, mới đây, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cho biết, địa phương giữ vai trò điều phối dự án đường vành đai 3 đã kiến nghị các địa phương điều chuyển, chia sẻ một phần khối lượng cát đắp nền tại các mỏ đang khai thác phục vụ các dự án đường cao tốc khác sang cho dự án đường vành đai 3. Đồng thời đề nghị, các bộ, ngành liên quan rút ngắn thủ tục gia hạn/cấp lại giấy phép khai thác một số mỏ cát để đảm bảo nguồn cung kịp thời cho nhu cầu thi công các tại dự án thành phần.

Chia sẻ với những kiến nghị đề xuất cấp thiết về nhu cầu sử dụng cát đắp nền cho dự án đường vành đai 3 TP. HCM đã nhận được sự hưởng ứng đồng thuận của nhiều địa phương trong vùng như: Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, An Giang...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, dự kiến trong năm 2024, tỉnh sẽ cho phép khai thác 6 mỏ với khoảng 14,9 triệu m3, và có thể cung cấp nhiều hơn cho TP.HCM so với cam kết là 850 ngàn m3. Tỉnh mong muốn các bộ ngành hỗ trợ để địa phương gia hạn/cấp lại, cấp mới giấy phép khai thác cát nhanh chóng, đầy đủ, chặt chẽ.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cũng cam kết sẽ đáp ứng cho dự án đường vành đai 3 TP.HCM khoảng 6,3 triệu m3 (trong năm 2024 là 3,8 triệu m3).

Đại diện UBND tỉnh An Giang và Đồng Tháp cũng cam kết điều chuyển khoảng 400 ngàn m3 cát khai thác phục vụ các dự án đường cao tốc Bắc - Nam cho dự án đường Vành đai 3.

Gỡ vướng về vật liệu xây dựng cho đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh
Tổng hợp khối lượng cát các địa phương hỗ trợ, điều phối cho dự án đường vành đại 3 TP. HCM. Ảnh: KT

Mới đây, tại buổi làm việc với các địa phương, đơn vị liên quan về giải quyết khó khăn, vướng mắc về vật liệu xây dựng đối với dự án đường vành đai 3 TP. HCM, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao đề xuất, kiến nghị điều phối của UBND TP. HCM về nhu cầu sử dụng cát đắp nền theo các mốc tiến độ của dự án đường vành đai 3 TP. HCM.

Đồng thời yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), các địa phương khẩn trương rà soát về khả năng cung ứng cát theo tiến độ các dự án đường cao tốc Bắc - Nam, đường vành đai 3 TP. HCM để kịp thời có các giải pháp như: nâng công suất, bổ sung các mỏ mới để đáp ứng nhu cầu thực tế; chủ động xử lý vướng mắc trong quá trình doanh nghiệp khai thác.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ TN-MT khẩn trương có văn bản ủy quyền các địa phương để làm thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, cấp phép khai thác các mỏ cát. Bộ GTVT, Bộ Xây dựng rà soát, tính đơn giá, quy trình cụ thể về công bố kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp; hướng dẫn các địa phương về quy trình thủ tục cấp phép, định mức, đơn giá khai thác cát biển; nhập khẩu vật liệu xây dựng; nạo vét luồng giao thông đường thủy.

Phó Thủ tướng yêu cầu thành lập tổ công tác liên ngành phối hợp với các địa phương trong vùng để vận dụng các cơ chế gia hạn/cấp lại giấy phép, nâng công suất khai thác mỏ cát phục vụ dự án đường vành đai 3 TP. HCM theo cơ chế đã được Quốc hội, Chính phủ cho phép, trên cơ sở cân đối với nhu cầu các dự án đường cao tốc Bắc - Nam, bám sát theo tiến độ; kết hợp theo dõi, giám sát chặt chẽ tác động môi trường, việc tuân thủ các quy định khai thác của doanh nghiệp…