Thu ngân sách năm 2022 do ngành Thuế quản lý vượt trên 24% dự toán Ngành Thuế đã gia hạn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất hơn 174 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền góp phần chuyển đổi số Bình quân một công chức Cục Thuế doanh nghiệp lớn thu khoảng 3.500 tỷ đồng tiền thuế

Thanh tra, kiểm tra chống thất thu thương mại điện tử

Ông Mai Sơn cho biết, do năm 2022 Chính phủ, Quốc hội đã ban hành nhiều chính sách miễn, giảm hỗ trợ cho doanh nghiệp; việc thực hiện dự toán thu tiền sử dụng đất gặp khó khăn, vì vậy ngay từ đầu năm, Cục Thuế TP. Hà Nội đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu ngân sách để bù đắp các khoản hụt thu từ chính sách hỗ trợ về thuế.

Lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, năm 2022 cục thuế đã hoàn thành 16.512 cuộc thanh kiểm tra, đạt 106% so với kế hoạch. Tổng số tiền xử lý qua thanh tra kiểm tra là 7.881 tỷ đồng, trong đó giảm khấu trừ 291 tỷ đồng; giảm lỗ 4.532 tỷ đồng; tổng thuế truy thu, truy hoàn và phạt là 3.057 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ).

Chia sẻ về những giải pháp mà cục thuế đã thực hiện trong công tác thanh tra, kiểm tra thời gian qua, lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, cục thuế đã thường xuyên củng cố và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về người nộp thuế, dữ liệu về tình hình sản xuất kinh doanh, dòng tiền, dữ liệu kê khai, báo cáo tài chính… để phục vụ việc phân tích đánh giá mức độ tuân thủ hoặc rủi ro của doanh nghiệp. Chuẩn hóa và duy trì cơ sở dữ liệu đảm bảo đầy đủ, cập nhật phục vụ việc phân tích, đánh giá có tỷ lệ chính xác cao.

Hà Nội: Chống thất thu hàng nghìn tỷ đồng qua thanh tra, kiểm tra thuế
Người nộp thuế làm thủ tục hành chính thuế tại bộ phận "một cửa" Cục Thuế TP. Hà Nội. Ảnh: Mai Lan.

“Trong chuyên đề chống gian lận hoàn thuế, chúng tôi thực hiện thu thập cơ sở dữ liệu về tình hình sản xuất kinh doanh, thông tin hóa đơn mua bán của các doanh nghiệp, thường xuyên theo dõi để có biện pháp kịp thời đối với các doanh nghiệp xuất khẩu có mặt hàng rủi ro cao như: kinh doanh ván, dăm gỗ, tinh bột sắn, linh kiện điện tử… trên địa bàn” - ông Sơn chia sẻ.

Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, đã thường xuyên kết nối, thu thập dữ liệu với các ngân hàng thương mại, cơ quan giám sát ngân hàng, đơn vị vận chuyển, thanh toán… của các chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT để tiếp tục khai thác dữ liệu, đưa vào quản lý, hoặc tăng cường công tác quản lý thuế.

Ngoài ra, việc xác định các rủi ro để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế cũng rất quan trọng. Qua việc xác định rủi ro, cơ quan thuế đã lựa chọn các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, hóa đơn, có dư địa số thu lớn, doanh nghiệp có giao dịch liên kết, doanh nghiệp TMĐT, bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh dựa trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam để thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách nhà nước.

Ứng dụng công nghệ thông tin để phân tích, xác định rủi ro

Cùng với việc phân tích cơ sở dữ liệu để lựa chọn đối tượng thanh tra, kiểm tra, Cục Thuế TP. Hà Nội cũng tập trung triển khai các chuyên đề lớn, trọng điểm. Đối với chuyên đề chống gian lận hoàn thuế, cục thuế thường xuyên thực hiện rà soát, kiểm soát lại các hồ sơ đã được hoàn, đánh giá các yếu tố đầu vào, cũng như sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, hải quan... xác minh hành vi, các dấu hiệu gian lận hoàn thuế

Đặc biệt, cục thuế đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để phân tích, xác định các yếu tố rủi ro. Phân tích dữ liệu lớn, đặc biệt là dữ liệu lớn về hóa đơn để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh với các hành vi gian lận thuế, gian lận hóa đơn.

Hà Nội: Chống thất thu hàng nghìn tỷ đồng qua thanh tra, kiểm tra thuế
Thanh tra, kiểm tra đã chống thất thu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế. Ảnh: NM.

“Chúng tôi đã ứng dụng phần mềm để lọc và rà soát hơn 74.000 doanh nghiệp ở trạng thái tạm ngừng nghỉ, không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, kết hợp với dữ liệu hóa đơn điện tử để nhận diện ra 106 doanh nghiệp với chênh lệch giữa doanh thu kê khai giá trị gia tăng và doanh thu trên hóa đơn điện tử là hơn 2.400 tỷ. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện xác minh để nhận diện chính xác các hành vi hoặc dấu hiệu vi phạm đối với nhóm doanh nghiệp này” - ông Sơn nói.

Đề cập đến các giải pháp chống thất thu trong năm 2023, lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ đối tượng nộp thuế, chuẩn hóa, “làm sạch” cơ sở dữ liệu về người nộp thuế. Phân loại các hồ sơ nợ, thực hiện quyết liệt các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ đọng, duy trì hiệu quả Ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ, tập trung thu hồi và xử lý nợ nghĩa vụ tài chính về đất. Thường xuyên đối thoại, trao đổi thông tin để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…

Đối với công tác thanh kiểm tra, cục thuế sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tốt các giải pháp như thu thập cơ sở dữ liệu, xác định rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động phân tích, đánh giá rủi ro, từ đó xây dựng các chuyên đề lớn và tập trung nhân lực để triển khai thực hiện

Đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý thuế

Để chống thất thu hiệu quả, năm 2023 Cục Thuế TP. Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý thuế hướng tới người nộp thuế với 3 trụ cột cơ bản của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021 - 2030. “Chúng tôi sẽ tập trung hiện đại hóa công tác thu nộp, quản lý thuế đối với hộ kinh doanh; các nền tảng, hình thức kinh doanh mới như chương trình hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và Cổng thông tin thương mại điện tử” - ông Mai sơn chia sẻ.