Hà Nội đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 để thúc đẩy giải ngân
Quang cảnh Hội nghị lần thứ 18, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội.

Ngày 25/6, tại Hội nghị lần thứ 18, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã báo cáo về nội dung điều chỉnh Kế hoạch năm 2024, xây dựng định hướng Kế hoạch đầu tư công năm 2025 và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công 5 năm 2021 - 2025 cấp thành phố.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, theo kế hoạch, vốn đầu tư công năm 2024 được phân bổ là 81.033 tỷ đồng. Trong đó, cấp thành phố là 47.410 tỷ đồng, cấp huyện là 33.102 tỷ đồng và chi đầu tư trở lại cho các quận, huyện, thị xã từ tiền thuê đất trả tiền một lần 521 tỷ đồng.

Đến nay, lũy kế giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của thành phố đến hết ngày 15/6/2024 là 17.175 tỷ đồng, đạt 21,2% kế hoạch thành phố và trung ương giao. Do đó, để hoàn thành mục tiêu ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 là 95% thì cần phải có nhiều giải pháp mạnh mẽ trong thời gian tới.

Theo đó, phương án điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2024 được UBND thành phố đề xuất theo nguyên tắc điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của các dự án có vướng mắc chưa khắc phục được mặc dù đã áp dụng nhiều giải pháp cần thiết, dự kiến không giải ngân được 100% kế hoạch vốn năm 2024 đã được giao.

Điều chỉnh tăng kế hoạch vốn cho các dự án theo thứ tự ưu tiên như sau: Thứ nhất là các dự án có khả năng thực hiện và giải ngân cao hơn so với kế hoạch vốn đã giao năm 2024, trong đó, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án hoàn thành trong năm 2024; các dự án có tính khẩn cấp, các dự án trọng điểm, kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực (văn hoá, giáo dục, di tích).

Thứ hai là các dự án được cấp có thẩm quyền điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, đảm bảo điều kiện bố trí vốn theo quy định để triển khai. Thứ ba là các dự án mới đã có trong kế hoạch của thành phố nay đủ thủ tục, điều kiện bố trí vốn theo quy định, cần bố trí kế hoạch vốn để thi công thực hiện.

Về phương án điều chỉnh, đối với nguồn vốn ODA, thành phố đề xuất điều hòa 6,03 tỷ đồng nguồn ODA cấp phát và 2,97 tỷ đồng nguồn ODA vay lại của dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (dự án tuyến 3.1) để bổ sung cho dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án Đường sắt đô thị số 3 Hà Nội.

Đối với nguồn ngân sách trung ương trong nước, thành phố điều hòa kế hoạch vốn giữa các đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1.1 của xây dựng Vành đai 4 Thủ đô. Cụ thể: Điều chỉnh giảm 100 tỷ đồng giao huyện Thanh Oai; 10 tỷ đồng của huyện Sóc Sơn và điều chỉnh tăng 110 tỷ đồng cho quận Hà Đông.

Đối với nguồn ngân sách thành phố trong nước, điều chỉnh giảm trên 2.516 tỷ đồng của các nhiệm vụ, nguồn vốn cho: Các nhiệm vụ nhưng đến nay chưa phân bổ chi tiết cho các dự án; 29 dự án cấp thành phố; của 32 dự án ngân sách thành phố hỗ trợ mục tiêu; giảm nguồn vốn bồi thường, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết thêm, thành phố điều chỉnh tăng kế hoạch vốn năm 2024 là trên 2.516 tỷ đồng cho 202 nhiệm vụ, dự án do có khả năng thực hiện, giải ngân tốt.

Về định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2025, UBND TP. Hà Nội đề xuất nguồn vốn đầu tư công năm 2025 dự kiến là trên 81.392 tỷ đồng, tăng 358,903 tỷ đồng so với năm 2024.