Hà Nội: Hơn 1.000 điểm bán hàng thực phẩm vẫn mở cửa trong ngày mồng 1 tết
Hà Nội: Hơn 1.000 điểm bán hàng thực phẩm vẫn mở cửa trong ngày mồng 1 Tết. Ảnh: Phúc Nguyên

Đưa sản phẩm của 1.130 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến về tiêu thụ

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có buổi làm việc với UBND TP. Hà Nội về công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, bảo đảm nguồn cung nông lâm sản và thuỷ sản phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, lễ hội Xuân 2022. Đoàn công tác Bộ NN&PTNT đã cùng UBND TP. Hà Nội đi kiểm tra một số cơ sở sản xuất cung ứng lương thực, thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có khoảng 10,3 triệu người dân sinh sống, làm việc nên nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm rất lớn. Năng lực sản xuất của nông nghiệp Hà Nội cơ bản đáp ứng đủ ở các loại thực phẩm: thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm. Với gạo, thịt trâu bò, thuỷ sản và rau xanh thì còn thiếu, phải đưa từ các tỉnh khác đến.

“Thành phố đã lên sẵn nhiều kịch bản cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Dự báo năm nay, số lượng người ở lại Hà Nội ăn tết nhiều hơn mọi năm, nên nguồn cung thực phẩm cũng phải chuẩn bị dồi dào hơn” - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết.

Để bảo đảm đủ nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô, đơn vị đã phối hợp với sở NN&PTNT 55 tỉnh, thành trên cả nước, đưa sản phẩm của 1.130 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến về tiêu thụ trên địa bàn thành phố. Sản lượng cung ứng hàng tháng từ các tỉnh thành đối với một số nhóm ngành hàng chính như: rau, củ, trái cây (khoảng 92.600 tấn); thịt gia súc, gia cầm (hơn 13.200 tấn); thuỷ sản (gần 11.350 tấn)…

Cùng với đó, để bảo đảm đưa nông sản, thực phẩm đến với người dân Thủ đô, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, phía Sở Công thương Hà Nội đã tổng hợp 1.208 điểm phân phối, lên phương án để mở cửa liên tục trong dịp Tết phục vụ người dân, kể cả ngày mồng 1 tết...

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhận định, trong bối cảnh dịch Covid-19, Hà Nội cơ bản bảo đảm được hai mục tiêu là đáp ứng đủ về sản lượng và quản lý tốt chất lượng nông sản, thực phẩm cho người dân Thủ đô.

Thành phố đã phân cấp rất rõ trách nhiệm, do đó các sở ngành có sự vào cuộc tích cực. Nhờ đó vấn đề an toàn thực phẩm của Hà Nội cơ bản được bảo đảm tốt, không phát sinh vụ việc phức tạp.

Hà Nội: Hơn 1.000 điểm bán hàng thực phẩm vẫn mở cửa trong ngày mồng 1 tết
Nhiều mặt hàng bánh kẹo có giá dao động từ 100.000 đồng - 500.000 đồng/kg. Ảnh: Phúc Nguyên

Hàng hóa đa dạng, giá cả ổn định

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, người dân Hà Nội tranh thủ đi siêu thị sắm tết. Các quầy bánh kẹo, thực phẩm, hóa mỹ phẩm thu hút hàng ngàn khách hàng. Trong khi đó, khu đồ may mặc, đồ gia dụng lượng khách có giảm hơn chút ít.

Bà Thanh Huyền (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: "Tôi không có thời gian đi sắm rải rác ở ngoài nên vào siêu thị mua cho tiện, năm nay các mặt hàng đều phong phú, đa dạng chủng loại, đặc biệt giá cả ổn định để người dân tha hồ lựa chọn".

Những ngày cận tết là thời điểm các siêu thị không chỉ chuẩn bị lượng hàng hóa lớn để phục vụ tết mà còn đồng loạt áp dụng các chính sách giảm giá để hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm.

Về giá cả hàng hoá phục vụ tết, các hệ thống phân phối lớn như GO! Big C, VinMart, Co.op Mart, Hapro Mart... đồng loạt thực hiện giảm giá sâu đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt gà, trứng gia cầm... Các siêu thị cũng tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá từ 5 đến 49% cho hàng nghìn mặt hàng phục vụ dịp Tết.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Đông, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, cung cấp hàng hóa nên doanh nghiệp đã chuẩn bị nhiều phương án dự trữ, qua đó bảo đảm số lượng hàng thiết yếu, giá tốt luôn đầy đủ, không bị thiếu hàng. Tại thị trường Hà Nội, hệ thống siêu thị Co.opmart sẽ cố gắng đạt doanh số hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần trị giá 104 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với Tết Nguyên đán 2021.

Hoặc hệ thống siêu thị GO!/Big C và chuỗi siêu thị Tops Market đã áp dụng chính sách bình ổn giá, triển khai đồng loạt chương trình khuyến mại bao gồm chương trình “Giá luôn luôn thấp”, áp dụng với hơn 7.000 sản phẩm tiêu dùng thiết yếu; chính sách “Khóa giá”, cam kết không tăng giá bán tết đối với hơn 10.000 sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh...

Theo khảo sát cho thấy, giá mặt hàng thịt lợn tại các siêu thị dao động trong khoảng 150.000 đồng/kg; các loại giò chả, xúc xích có giá từ 130.000 đến 190.000 đồng/sản phẩm. Trứng gia cầm dao động từ 25.000 đến 30.000 đồng/vỉ. Các sản phẩm gạo như gạo tám thơm, gạo lứt, gạo ST có giá dao động từ 100.000 đến 200.000 đồng/túi; các mặt hàng hoa quả như bưởi da xanh có giá dao động trong khoảng 40.000 đồng/kg, cam canh có giá khoảng 40.000 đồng/kg, thanh long đỏ giảm từ 34.000 đồng/kg xuống 14.000 đồng/kg; các giỏ quà tết có mức giá từ 300.000 đến 2 triệu đồng tùy loại.../.