Năm qua, phát huy mạnh mẽ tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, Hà Nội không chỉ được biết đến như một điểm sáng trong việc thực hiện phân cấp, ủy quyền, mà còn để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với cả nước, ở tinh thần tiên phong, tư duy đổi mới và quyết tâm trong hành động, coi đó là một trong những giải pháp đột phá mọi nguồn lực cho phát triển.

Hà Nội - thành quả từ tư duy đổi mới  và quyết tâm hành động

Đột phá phân cấp, ủy quyền

"Từ đòi hỏi của thực tiễn và câu "Hà Nội không vội được đâu" mà dư luận hay nói, chúng tôi coi là "nỗi đau" để lãnh đạo thành phố quyết tâm phải làm bằng được việc phân cấp, ủy quyền" - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng từng bày tỏ về quyết tâm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, khắc phục tồn tại trong công tác cải cách hành chính của thành phố, cản trở sự phát huy nguồn lực đầu tư phát triển.

Trong rất nhiều việc phải làm, thành phố quyết tâm chọn khâu đột phá mấu chốt đó là phân cấp, ủy quyền gắn với cải cách hành chính. Tinh thần được thống nhất triển khai đó là đảm bảo một việc không quá 2 cấp hành chính; giảm tầng nấc trung gian, nơi nào gần dân nhất thì nơi đó giải quyết; người dân cần được tiếp cận chính sách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Đây chính là chủ trương hóa kịp thời của Hà Nội khi triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật”. TP. Hà Nội đã gương mẫu, đi đầu trong phân cấp, ủy quyền trên nhiều lĩnh vực công tác. Cải cách hành chính được đẩy mạnh; kỷ luật, kỷ cương hành chính, phân cấp, ủy quyền được tăng cường và trở thành 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô năm 2023.

Nhìn lại một năm đã làm được gì? Hà Nội nhờ tích cực trong thực hiện phân cấp, ủy quyền, từ đó góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính PAR-Index, tăng 7 bậc. Hà Nội chú trọng gắn phân cấp, ủy quyền với tạo điều kiện về cơ chế, nguồn lực để cấp dưới tiếp nhận và giải quyết nhiệm vụ mới.

Điều này được minh chứng bằng “người thực, việc thực” rất đáng ấn tượng, như: Chỉ trong vòng một năm, đã có 12 quận, huyện trình HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư 47 dự án nhiệm vụ chi cấp thành phố sử dụng ngân sách cấp huyện để đầu tư với tổng kinh phí 21.220 tỷ đồng; gần 600 thủ tục hành chính được ủy quyền đã đi liền với việc ban hành quy trình nội bộ thực hiện...

Đáng lưu ý, việc phân cấp, ủy quyền còn đạt nhiều kết quả vượt bậc trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng, quản lý đất đai, dự án đầu tư. Thành phố đẩy nhanh tiến độ một số dự án, công trình giao thông trọng điểm như: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch...

Đặc biệt, trong năm 2023, thành phố khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sớm hơn dự kiến. Dự án trọng điểm này được khởi công vào cuối tháng 6/2023, nhưng chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm, công tác giải phóng mặt bằng đạt hơn 96%.

Kinh nghiệm cho thấy, đó là thành phố đã tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cơ sở, đặc biệt là cấp quận, huyện, xã, phường với tinh thần giảm đầu mối, cấp nào sát thực tế và phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân thì giao cấp đó thực hiện. Thành phố còn ủy quyền cho các quận, huyện thực hiện công tác GPMB, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

Xây dựng đô thị phát triển bền vững

Hà Nội - thành quả từ tư duy đổi mới  và quyết tâm hành động
Phối cảnh nút đại lộ Thăng Long. Ảnh: TL

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, phân cấp, uỷ quyền là nhiệm vụ quan trọng của thành phố nhằm thu hút đầu tư, tăng cường phát triển đô thị. Một trong những điểm nổi bật của Đề án phân cấp, ủy quyền của TP. Hà Nội là tăng tính chủ động cho các quận, huyện, thị xã. Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, sau khi được phân cấp, ủy quyền, các quận, huyện, thị xã đã phê duyệt theo thẩm quyền nhiều dự án, ước tính tổng giá trị đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Những cố gắng của Hà Nội trong việc thực hiện phân cấp, ủy quyền cùng với năng lực, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của thành phố đã cho trái ngọt. Năm 2023, thành phố duy trì sức bền của kinh tế Thủ đô, cũng như vị trí đầu tàu ngay trong bối cảnh khó khăn nhất, với GRDP đạt 6,27%, cao hơn mức bình quân chung cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt 13,5% dự toán và tăng 20% so với năm trước; thu hút hơn 2,9 tỷ USD vốn FDI, tăng 70,5%; chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát...

Hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị phát triển bền vững, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, năm 2024 thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương phân cấp, ủy quyền, trọng tâm là rà soát, bổ sung các quy trình nội bộ, kiểm tra hướng dẫn việc thực hiện.

Chủ trương về vấn đề này phải thể chế hóa bằng nghị quyết của HĐND thành phố để bảo đảm đúng khung khổ pháp lý chặt chẽ. Thành phố sẽ đổi mới phương pháp, cách làm, xây dựng quy định phân cấp, ủy quyền đồng bộ trong mỗi ngành, lĩnh vực, chú trọng kết quả sản phẩm cụ thể.

Những kết quả đột phá bước đầu về phân cấp, ủy quyền của TP. Hà Nội thời gian qua đã cho thấy hướng đi, cách làm và công tác chỉ đạo thực hiện của Hà Nội là hiệu quả, đúng và trúng nhiệm vụ do Đảng và Chính phủ định hướng.

Kết quả trên là minh chứng sống động về năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trước hết là vai trò của người đứng đầu Thành ủy Hà Nội trong nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025. Vừa qua, Bộ Nội vụ đã ban hành văn bản hướng dẫn việc nhân rộng mô hình phân cấp của UBND TP. Hà Nội để áp dụng tại các địa phương.

Năm 2024 phân cấp 828 nhiệm vụ, ủy quyền 613 thủ tục hành chính

Về mục tiêu cụ thể năm 2024, TP. Hà Nội sẽ xem xét tiếp tục phân cấp 828 nhiệm vụ, trong đó 72 nhiệm vụ của HĐND thành phố, 746 nhiệm vụ của UBND thành phố; cùng với phân cấp, ủy quyền 613 thủ tục hành chính cho cấp sở, huyện.

Hà Nội sẽ tăng cường hướng dẫn, giám sát, kiểm tra thực hiện việc phân cấp, ủy quyền gắn với cải cách hành chính, tháo gỡ những “điểm nghẽn,” vướng mắc của các địa phương trong thực thi Luật Tổ chức chính quyền địa phương... Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức để thực hiện tốt phân cấp, ủy quyền.