Hà Nội xem xét bổ sung 20.440,5 tỷ đồng vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025
Kỳ họp thứ tư, HĐND TP.Hà Nội khóa XVI khai mạc sáng ngày 8/4. Ảnh: Khánh Linh

Bổ sung trên 20.440 tỷ đồng vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đỗ Anh Tuấn đã trình bày Tờ trình về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và phân bổ kế hoạch vốn năm 2022, để thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của thành phố Hà Nội.

Theo tờ trình, tổng nhu cầu 3 lĩnh vực sau khi rà soát và xác định nguồn vốn theo nguyên tắc cân đối các cấp ngân sách là 97.495 tỷ đồng, 3.385 dự án. Trong đó, lĩnh vực giáo dục là 51.294 tỷ đồng, 1.649 dự án; lĩnh vực y tế là 18.513 tỷ đồng, 449 dự án; lĩnh vực di tích là 27.687 tỷ đồng, 1.287 dự án.

Trên cơ sở nguyên tắc cân đối nguồn sách các cấp, nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn danh mục dự án các cấp, định mức ngân sách cấp thành phố hỗ trợ cấp huyện và tính toán khả năng cân đối ngân sách, UBND thành phố xác định tổng nhu cầu ngân sách cấp thành phố đầu tư với 3 lĩnh vực giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo là 51.394,8 tỷ đồng, 1.470 dự án (gồm 236 dự án cấp thành phố 26.621,3 tỷ đồng); 1.234 dự án ngân sách thành phố hỗ trợ cấp huyện 24.773,5 tỷ đồng.

Về phân cấp, ủy quyền để thực hiện dự án, cấp huyện sẽ thực hiện toàn bộ thủ tục đầu tư các dự án cấp huyện được ngân sách thành phố hỗ trợ 1.234 dự án. Cấp thành phố thực hiện 236 dự án cấp thành phố.

Căn cứ năng lực triển khai, thành phố sẽ tiếp tục xem xét giao cho UBND các quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư, đồng thời với việc giao chủ trì phê duyệt các dự án về giáo dục, di tích và một số dự án y tế bệnh viên đa khoa tuyến huyện. Thành phố tiếp tục xem xét tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện. Ngoài ra, cấp huyện sẽ chủ động thực hiện toàn bộ dự án theo phân cấp với 1.562 dự án do cấp huyện cân đối vốn 100% để thực hiện.

Số vốn cần bổ sung so với Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 là 20.440,5 tỷ đồng, được bù đắp từ: Nguồn thu, tăng trưởng vượt thu năm 2021; nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025; đề xuất cân đối từ nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp thành phố, hoặc từ tăng thu, thưởng vượt thu dự toán các năm 2022- 2024 hoặc xem xét phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô theo tiến độ thực tế của dự án.

UBND thành phố cũng khẳng định, phạm vi triển khai đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia; nâng cấp hệ thống y tế; tu bổ, tôn tạo di tích trên toàn địa bàn thành phố trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo với yêu cầu đầu tư phải hiệu quả, tiết kiệm, đúng quy định của nhà nước về đầu tư, quản lý công sản, phù hợp với quy hoạch, thiết thực với người dân và xã hội. UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về danh mục dự án thuộc trách nhiệm quản lý của cấp huyện...

Hà Nội xem xét bổ sung 20.440,5 tỷ đồng vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn trình bày Tờ trình của thành phố về kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Khánh Linh

Tiếp tục rà soát, số liệu, nhu cầu vốn đầu tư của 3 lĩnh vực

Trong báo cáo thẩm tra tại Kỳ họp, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách (KT-NS) HĐND TP.Hà Nội Hồ Vân Nga nhận định, việc tăng cường cơ sở vật chất, hạ tầng 3 lĩnh vực giáo dục, y tế và tu bổ, tôn tạo di tích là rất quan trọng, tạo điều kiện để phát triển giáo dục, y tế, gìn giữ và phát triển văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thành ủy báo cáo Bộ Chính trị.

“Ban KT-NS thống nhất cao với sự cần thiết lập kế hoạch để ưu tiên, đảm bảo nguồn lực cho đầu tư xây dựng các công trình giáo dục, y tế, tu bổ, tôn tạo các công trình di tích như đề xuất của UBND thành phố”- bà Hồ Vân Nga nhấn mạnh.

Theo Trưởng ban KT-NS, trên cơ sở đánh giá thực tế khả năng triển khai, UBND TP.Hà Nội đã đề xuất sắp xếp thứ tự ưu tiên và phân kỳ đầu tư cho các dự án của giai đoạn đến năm 2025 và những năm tiếp theo là phù hợp. Ban KT-NS đề nghị UBND TP.Hà Nội tiếp tục rà soát, số liệu, nhu cầu vốn đầu tư của 3 lĩnh vực, ưu tiên tập trung đầu tư các công trình trường học, y tế của các địa bàn phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và 5 huyện phấn đấu lên quận; đầu tư xây dựng các công trình bệnh viện theo Chương trình 08 của Thành ủy để hoàn thành chỉ tiêu giường/vạn dân…

Đồng thời, chỉ đạo, rà soát đảm bảo nguồn cân đối của ngân sách cấp huyện để các dự án được triển khai đồng bộ, hoàn thành đúng tiến độ, tránh để phát sinh nợ đọng cơ bản. Khối lượng dự án nhiều, nhiều di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt thủ tục đầu tư phức tạp, Ban KT-NS cũng đề nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo, phân loại có kế hoạch để sớm hoàn thành thủ tục đầu tư, hoàn thành tiến độ đầu tư theo kế hoạch và chịu trách nhiệm về danh mục, số liệu rà soát, trình duyệt./.