Hải quan kiểm tra, kết nối hóa đơn điện tử trong việc soát xét khối lượng tạm nhập tái xuất khi tra nạp cho các tàu bay đi/đến Quốc tế tại các sân bay trên toàn lãnh thổ Việt Nam
Hải quan kiểm tra, kết nối hóa đơn điện tử trong việc soát xét khối lượng tạm nhập tái xuất khi tra nạp cho các tàu bay đi/đến quốc tế tại các sân bay trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Ưu tiên thông quan

Theo thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2022, lượng nhập khẩu xăng dầu các loại giảm mạnh 28,5%, đạt 466 nghìn tấn. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng qua, lượng nhập khẩu của nhóm hàng này vẫn đạt gần 5,9 triệu tấn, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021 và xấp xỉ với lượng nhập khẩu của 8 tháng năm 2020.

Trong đó, nhập khẩu xăng dầu các loại tập trung chủ yếu từ Hàn Quốc với lượng nhập khẩu là 2,4 triệu tấn, tăng 90% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 40% lượng nhập khẩu xăng dầu các loại của cả nước.

Do giá xăng dầu tăng cao, tính từ đầu năm đến 15/9/2022, tổng trị giá nhập khẩu xăng dầu các loại xăng dầu các loại tăng 3,67 tỷ USD, tương ứng tăng 132,6%.

Thời gian qua, xác định xăng dầu là một mặt hàng thiết yếu đối với sản xuất và tiêu dùng nên cơ quan hải quan luôn ưu tiên thực hiện nhanh chóng, thuận lợi và theo đúng quy định của pháp luật các thủ tục nhập khẩu và thông quan đối với mặt hàng này.

Liên quan đến công tác quản lý, từ ngày 10/8/2022, điều kiện kiểm tra, giám sát kho xăng dầu thì thương nhân kinh doanh xăng dầu phải được hoàn thiện theo quy định mới với các yêu cầu nghiêm ngặt như lắp đặt thiết bị đo mức bồn, bể tự động kết nối trực tuyến số lượng xăng dầu xuất, nhập, tồn kho với cơ quan hải quan.

Những yêu cầu này được Chính phủ đặt ra trong Nghị định số 67/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan.

Theo ông Đào Duy Tám – Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, quy định này giúp cho cho cơ quan quản lý nắm được chính xác, kịp thời số lượng xăng dầu nhập khẩu, đồng thời thu đúng số thuế để nộp, nâng cao hiệu quả quản trị của doanh nghiệp.

Triển khai Nghị định nêu trên, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 2944/GSQL-GQ5 ngày 19/8/2020 để phổ biến, công văn số 727/TCHQ-GSQL ngày 4/3/2022; 2381/TCHQ-GSQL ngày 17/6/2022, số 981/GSQL-TH ngày 15/7/2022 để đôn đốc doanh nghiệp và hải quan đảm bảo thực hiện đúng nội dung, thời hạn quy định của pháp luật.

Ngày 20/5/2022, Tổng cục Hải quan đã tổ chức hội thảo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác quản lý về hải quan đối với mặt hàng xăng, dầu, khí hóa lỏng xuất nhập khẩu, trong đó đã phổ biến rất rõ về thời hạn các doanh nghiệp cần triển khai lắp đặt thiết bị đo mức bồn, bể tự động kết nối trực tuyến số lượng xăng dầu xuất, nhập, tồn kho với cơ quan hải quan theo quy định tại Nghị định số 67/2020/NĐ-CP.

iểm soát bằng việc truy cập trực tiếp vào hệ thống để kiểm tra khối lượng hàng hóa của kho nhiên liệu
Kiểm soát bằng việc truy cập trực tiếp vào hệ thống để kiểm tra khối lượng hàng hóa của kho nhiên liệu.

Không nhận được phản ánh khó khăn, vướng mắc

Ông Đỗ Xuân Hiệp – Trưởng phòng An ninh, Công ty Nhiên liệu hàng không Skypec cho biết, các bể chứa xăng của công ty đã được đầu tư, lắp đặt thiết bị giám sát hoàn chỉnh từ cả chục năm nay. Với thiết bị này, toàn bộ quá trình xuất, nhập, tồn kho của công ty luôn được cập nhật từng giờ từng phút. Khi thực hiện Nghị định 67, công ty chỉ việc cung cấp địa chỉ truy cập, mật khẩu để cơ quan hải quan giám sát, truy xuất số liệu bất cứ lúc nào cần thiết.

Thực hiện nghị định của Chính phủ, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn đều đã đáp ứng điều kiện, như Petrolimex, PVoil, Hải Linh, Thanh Lễ, Hải Hà,…

Hiện nay, thủ tục xuất nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu vẫn đang được thực hiện thuận lợi.

Một số đơn vị chưa đáp ứng điều kiện về kho chứa cũng đã dần hoàn thiện và được cơ quan hải quan hỗ trợ để quay trở lại hoạt động, đảm bảo nguồn cung cho thị trường.

Từ khi quy định chính thức có hiệu lực, ngày 10/8/2022 đến nay, cơ quan hải quan không nhận được phản ánh khó khăn, vướng mắc từ các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu.

Điều này không chỉ thuận lợi cho công tác quản lý của cơ quan hải quan mà còn giúp doanh nghiệp giảm bớt thủ tục, báo cáo,…

Để rút ngắn hơn nữa thời gian thông quan, góp phần cho doanh nghiệp kịp thời đưa hàng hóa vào lưu thông, Tổng cục Hải quan đã có văn bản số 3684/TCHQ-GSQL chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện thông quan nhanh chóng đối với mặt hàng xăng dầu nhập khẩu, bố trí cán bộ, công chức trực giải quyết thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát và xử lý vướng mắc đối với xăng dầu nhập khẩu kể cả ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính đảm bảo thông quan 24/7./.