Hành động quyết liệt hơn để khai thác các FTA hiệu quả
Việt Nam đứng thứ 17 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Ảnh Lê Toàn

PV: Ông đánh giá như thế nào về tình hình xuất khẩu hàng hóa của nước ta trong bối cảnh thương mại toàn cầu hiện nay đang có nhiều biến động, xu hướng bảo hộ gia tăng và đặc biệt là việc Hoa Kỳ dự kiến sẽ áp thuế đối ứng?

Hành động quyết liệt hơn để khai thác các FTA hiệu quả

Ông Trịnh Minh Anh: Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam dự báo sẽ gặp khó khăn sau khi Hoa Kỳ tuyên bố mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước này. Việc Hoa Kỳ tạm hoãn thuế 90 ngày và áp mức 10% trong thời gian đàm phán tạo cơ hội cho Việt Nam thương thảo, đa dạng hóa thị trường (EU, Nhật Bản, ASEAN) và tái cấu trúc chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro.

Phát huy nội lực từ mỗi doanh nghiệp

FTA chính là cơ hội để Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, nhưng việc khai thác các lợi thế lại phụ thuộc vào khả năng của từng doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp sẽ tìm được hướng đi của riêng mình, tận dụng hiệu quả nhất những cơ hội từ FTA, góp phần phát triển bền vững nền kinh tế đất nước.

Trước tình hình này, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã chủ trì, thành lập ngay Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ. Trước mắt, chúng ta sẽ đưa ra phương án thương thảo với Hoa Kỳ để đạt kết quả tốt nhất…

Mặc dù vậy, giải pháp để đạt được mục tiêu bền vững và lâu dài trong tăng trưởng xuất khẩu thì đòi hỏi chúng ta phải hành động quyết liệt hơn, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có, mở rộng thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống và thích nghi với những chuẩn mực thương mại ngày càng cao.

PV: Ông có thể phân tích rõ hơn về bức tranh tăng trưởng xuất khẩu từ các FTA trong những năm qua và dư địa có thể khai thác?

Ông Trịnh Minh Anh: Trong hơn hai thập kỷ qua, Việt Nam đã khẳng định vị thế là một trong những quốc gia tích cực hội nhập kinh tế toàn cầu. Tính đến năm 2025, tổng số các FTA Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán lên tới 20 FTA, với 16 FTA đang thực thi, trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA và RCEP. Các hiệp định này đã mở ra thị trường rộng lớn với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 90% GDP toàn cầu.

Những con số minh chứng cho thành công của việc thực thi FTA là rất ấn tượng. Trong ba năm gần đây, Việt Nam liên tục nằm trong top 20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt khoảng 12,5% mỗi năm.

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mốc 786 tỷ USD, trong đó xuất khẩu vượt 405 tỷ USD, thặng dư thương mại gần 25 tỷ USD, ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp.

Nhờ đó, Việt Nam đứng thứ 17 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Đóng góp vào kết quả trên, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đã ký FTA như EU, Canada và các nước CPTPP đều ghi nhận tăng trưởng tích cực.

Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan theo FTA của doanh nghiệp Việt Nam đạt khoảng 37% trong năm 2024. Qua đó, các FTA không chỉ giúp đa dạng hóa thị trường, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống, mà còn tạo điều kiện thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao từ các đối tác lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore; tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng việc khai thác các FTA vẫn chưa tương xứng với tiềm năng do nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về các quy tắc xuất xứ, thủ tục ưu đãi thuế quan; các rào cản phi thuế quan ngày càng gia tăng như yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, lao động… đặt ra thách thức lớn cho khả năng đáp ứng của hàng Việt; tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành còn thấp, ảnh hưởng đến khả năng tận dụng ưu đãi FTA đã ký.

Trên cơ sở thực tiễn và những yêu cầu đặt ra, việc khai thác hiệu quả cơ hội từ các FTA đã ký, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường lớn, khai thác các thị trường mới sẽ góp phần giải thiểu sự phụ thuộc vào một số thị trường.

PV: Để có thể tận dụng và khai thác hiệu quả các FTA, ông có đề xuất giải pháp thiết thực nào với doanh nghiệp?

Ông Trịnh Minh Anh: Để doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các FTA, trước hết, doanh nghiệp triển khai 5 nguyên tắc quan trọng.

Một là, nghiên cứu kỹ các quy định về thuế quan, quy tắc xuất xứ (C/O), tiêu chuẩn kỹ thuật và các cam kết phi thương mại (lao động, môi trường, phát triển bền vững) trong từng FTA (như CPTPP, EVFTA, UKVFTA). Tham dự các hội thảo, khóa học do Bộ Công thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hoặc hiệp hội ngành hàng tổ chức để nắm bắt thông tin và cách thức tận dụng ưu đãi; cập nhật thông tin cảnh báo sớm về các vụ việc phòng vệ thương mại từ Bộ Công thương…

Hai là, tối ưu hóa quy tắc xuất xứ (C/O), đảm bảo sản phẩm đáp ứng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan, như tỷ lệ nội địa hóa hoặc xuất xứ thuần túy theo quy định của từng FTA; liên kết với nhà cung cấp trong nước hoặc khu vực FTA để tăng tỷ lệ nguyên liệu nội khối, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu ngoài khu vực.

Ba là, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua cải thiện chất lượng sản phẩm. Cụ thể, doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ, đổi mới mẫu mã và đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường FTA (như tiêu chuẩn xanh của thị trường EU). Tham gia các hiệp hội ngành hàng; phối hợp với các hiệp hội để nắm bắt thông tin thị trường, giải quyết khó khăn (như chi phí vận chuyển, rào cản kỹ thuật) và các vụ tranh chấp quốc tế; ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Bốn là, tuân thủ cam kết phi thương mại như đáp ứng các yêu cầu về lao động, môi trường và phát triển bền vững để tránh rủi ro pháp lý hoặc bị kiện thương mại.

Năm là, phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước để được hỗ trợ thông tin về FTA và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi các FTA.

PV: Xin cảm ơn ông!

Xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng 2 con số

Thống kê sơ bộ mới nhất của Cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 4/2025 (từ ngày 16/4 đến ngày 30/4/2025) đạt 38,74 tỷ USD, tăng 9,3% (tương ứng tăng 3,3 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong kỳ 1 tháng 4/2025 (từ ngày 01/4 đến ngày 15/4/2025). Trong kỳ 2 tháng 4/2025, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,57 tỷ USD.

Cũng trong kỳ 2 tháng 4/2025, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 20,66 tỷ USD, tăng 23,3%, tương ứng tăng 3,91 tỷ USD so với kỳ 1 tháng 4/2025. Tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm đạt 140,34 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 16,12 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 4 tháng năm 2025, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 276,89 tỷ USD, tăng 15,7%, tương ứng tăng 37,51 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Tính trong 4 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 3,79 tỷ USD.