hhnh

Buổi tọa đàm thực hiện theo hình thức trực tuyến. Ảnh: H.H.N.H

Thông tư 22/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 và Thông tư 15/2018/TT-NHNN ngày 18/6/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22/1016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Hiệp hội Ngân hàng, Thông tư 22 và Thông tư 15 đến nay đã có những tác động rất tích cực đến hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Sau nhiều năm áp dụng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ trong hoạt động ngân hàng, việc ban hành thông tư mới thay thế thông tư về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là cần thiết để bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Liên quan đến dự thảo thông tư này, Ngân hàng Nhà nước đã từng lấy ý kiến góp ý của các tổ chức tín dụng và Hiệp hội Ngân hàng.

Trên cơ sở phản ánh của các tổ chức tín dụng, Hiệp hội Ngân hàng cũng đã có văn bản kiến nghị, nhưng tại dự thảo mới, nhiều nội dung ban soạn thảo vẫn giữ nguyên quan điểm như dự thảo trước đó và bổ sung thêm nhiều điều khoản khác thậm chí chặt hơn.

Tại buổi tọa đàm mới diễn ra ngày 7/9, đa phần ý kiến các ngân hàng cho rằng các quy định tại dự thảo thông tư mới nhất là quá chặt, ảnh hưởng đến quyền tham gia thị trường trái phiếu của các ngân hàng.

Nhiều quy định thậm chí còn siết chặt hơn so với quy định tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chào bán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước vào chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Trước các ý kiến của các ngân hàng, các đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong dự thảo hiện tại cũng có một số nội dung chưa phù hợp hoàn toàn về câu chữ và có thể sẽ xem xét chỉnh sửa cho chuẩn xác hơn.

Ngoài ra, cũng có thể có những nội dung đề xuất, kiến nghị của các ngân hàng nhưng Ngân hàng Nhà nước không tiếp thu vì Ngân hàng Nhà nước cũng có quan điểm riêng trong quản lý nhà nước, nhưng nếu nội dung nào ban soạn thảo không tiếp thu sẽ có giải trình lý do./.

Chí Tín