1

Toàn cảnh buổi hội đàm.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng bày tỏ vui mừng vì mối quan hệ giữa Việt Nam và Đức ngày càng phát triển; đồng thời mong Chính phủ Đức quan tâm và tạo điều kiện để cộng đồng người Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng tại Đức hoạt động trong một môi trường kinh doanh thuận lợi, có nhiều ưu đãi.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Việt Nam đánh giá cao vai trò của Đức trong các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu. Sự ổn định kinh tế - chính trị đã giúp Đức không những nằm ngoài vòng xoáy nợ công, mà còn đủ tiềm lực kinh tế để dẫn dắt, đảm bảo tương lai của cộng đồng Châu Âu. Chính vì vậy, Việt Nam đánh giá cao việc Chính phủ Đức đã giúp một số thành viên của Liên minh châu Âu cơ cấu lại các khoản nợ, giúp xây dựng đường lối, chính sách và khung pháp lý về quản lý chi tiêu công.

"Việt Nam và EU (trong đó có đối tác lớn là Đức) đang đàm phán Hiệp định Thương mại tự do nhằm mở rộng hơn nữa quan hệ thương mại, đầu tư… giữa hai bên. Khi thực hiện, sẽ tạo ra cơ hội tăng trưởng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, cũng như nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao của Đức; thúc đẩy đầu tư của Đức vào Việt Nam, góp phần tái cấu trúc và tăng trưởng kinh tế. Rất mong phía Đức sẽ ủng hộ tích cực Việt Nam trong quá trình đàm phán FTA với EU để hiệp định sớm được ký kết", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu.

Trong lĩnh vực dự án, vay nợ, viện trợ, Chính phủ Đức cũng tài trợ cho Bộ Tài chính nhiều dự án quan trọng. Tiêu biểu là Luật Ngân sách nhà nước hiện hành của Việt Nam được xây dựng với sự tham gia giúp đỡ của các chuyên gia Đức. Các dự án Chính phủ Đức tài trợ cho Bộ Tài chính Việt Nam (đáng chú ý là các dự án xây dựng Luật thuế, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phí và lệ phí cũng như các dự án hợp tác hỗ trợ trong lĩnh vực tăng trưởng xanh) đã và đang được triển khai hiệu quả, có tác động tích cực đến công tác quản lý ngân sách, cải cách kinh tế vĩ mô và quản lý tài chính doanh nghiệp tại Việt Nam.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng bày tỏ, trong thời gian tới, rất mong nhận được sự hỗ trợ từ nguồn vốn của GIZ cho các dự án và đề án mà GIZ đã và đang tài trợ cho Bộ Tài chính.

Về lĩnh vực hải quan, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, Hải quan Việt Nam và Hải quan CHLB Đức đều là thành viên Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), quan hệ hợp tác giữa cơ quan hải quan hai nước chủ yếu trên diễn đàn này.

Trong lĩnh vực quản lý tài chính doanh nghiệp, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, mặc dù Việt Nam và CHLB Đức chưa ký kết văn kiện hợp tác chính thức giữa hai Bộ Tài chính trong lĩnh vực này, nhưng hai bên đã tiến hành trao đổi các đoàn chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm.

Mặc dù vậy, hợp tác giữa hai Bộ Tài chính trong lĩnh vực này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu thực tế của hai bên. Do đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng hy vọng trong thời gian tới, hai Bộ Tài chính sẽ có thỏa thuận tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quản lý tài chính doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa đang là vấn đề thời sự, là khâu đột phá trong quá trình tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Quá trình cổ phần hóa DNNN của Việt Nam được bắt đầu thực hiện từ năm 1992 với số lượng DNNN tại thời điểm đó là khoảng 12.000 DN, rất nhiều DNNN hoạt động kém hiệu quả, máy móc và công nghệ lạc hậu, tình hình tài chính yếu kém (nợ đọng lớn, hiệu quả sử dụng vốn thấp, nguy cơ mất vốn gia tăng...), do đó yêu cầu tất yếu đặt ra là phải cải cách, sắp xếp lại khu vực DNNN để nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực này.

"Chính vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam rất hoan nghênh các nhà đầu tư, các DN của Đức quan tâm và tham gia vào quá trình cổ phần hóa DNNN tại Việt Nam và mong nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm của Chính phủ Đức, giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả vấn đề tái cơ cấu DNNN", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tài chính Đức Vôn-phơ-căng Shoi-bơ-lơ cám ơn Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã dành thời gian tiếp, đồng thời đánh giá cao quan hệ tốt đẹp quan hệ song phương giữa hai nước nói chung, hai Bộ Tài chính nói riêng.

Bộ trưởng Tài chính Đức Vôn-phơ-căng Shoi-bơ-lơ khẳng định: "Chính phủ Đức cam kết nỗ lực thúc đẩy đàm phán tiến tới ký kết quan hệ thương mại tự do giữa liên minh Châu Âu và Việt Nam".

Cũng theo Bộ trưởng Tài chính Đức Vôn-phơ-căng Shoi-bơ-lơ, vào tháng 11/2014, phía Đức sẽ tổ chức Hội nghị kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại Việt Nam với sự tham dự của Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức. Trước sự kiện này, Chính phủ Đức mong muốn lãnh đạo Chính phủ Việt Nam không chỉ sang thăm các nước châu Âu, mà cả CLHB Đức.

Bộ trưởng Tài chính Đức Vôn-phơ-căng Shoi-bơ-lơ cũng vui mừng vì cơ quan hải quan, thuế hai nước đã thiết lập mối quan hệ hợp tác khá chặt chẽ, đa dạng. Chính phủ Đức sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn trên hai lĩnh vực này./.

Tin và ảnh: Đức Minh