Chính sách tài chính - kế toán thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp quản trị tài chính, kế toán, thuế tốt hơn

Chiều 13/12, Học viện Tài chính tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Những vấn đề đương đại về kế toán, kiểm toán và tài chính doanh nghiệp trong nền kinh tế số” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Kế toán, kiểm toán và tài chính doanh nghiệp trong nền kinh tế số
PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Việt.

Lĩnh vực lõi trong chuyển đổi số

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhấn mạnh về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xác định mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số phải đạt khoảng 20% GDP; đến năm 2030, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng đạt 50%.

Về góc độ kế toán, kiểm toán và tài chính doanh nghiệp, một số diễn đàn và nghiên cứu ban đầu đều thống nhất cho rằng đây là những lĩnh vực lõi trong chuyển đổi số toàn diện của các doanh nghiệp. Ứng dụng chuyển đổi số sẽ có tác động mạnh mẽ đến quy trình, phương pháp và chức năng, nhiệm vụ của kế toán, kiểm toán và tài chính trong các đơn vị.

Trong đó, thể hiện trên một số góc độ chủ yếu như: Internet vạn vật (IoT); trí tuệ nhân tạo (AI); dữ liệu lớn (Big data); điện toán đám mây (Cloud); chuỗi khối (Blockchain) giúp quy trình kế toán, kiểm toán, tài chính được thực hiện theo thời gian thực, dữ liệu kế toán, tài chính được kết nối với nhau đảm bảo sự chính xác tuyệt đối và cập nhật thường xuyên; giảm bớt công việc của người làm kế toán, tài chính. Nhiều giao dịch cơ bản, kĩ thuật nghiệp vụ diễn ra thường xuyên liên tục đã được trí tuệ nhân tạo xử lý giúp con người rút ngắn thời gian và nâng cao năng suất nghề nghiệp…

Chia sẻ về thực trạng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán trong thời đại công nghệ số, TS. Đường Thị Quỳnh Liên - Trường đại học Kinh tế (Đại học Vinh) cho hay, vướng mắc trong áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS); thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán; kỹ năng mềm của kế toán viên còn yếu; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bảo mật còn hạn chế.

TS. Đường Thị Quỳnh Liên khuyến nghị, để thực hiện chuyển đối số trong đào tạo và phát triển nhân lực kế toán, kiểm toán được hiệu quả, các cơ quan quản lý cần rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp lý trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin một cách đồng bộ, kịp thời đáp ứng xu thế phát triển của hệ thống số toàn cầu; có chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán cũng như định hướng và khuyến khích chuyển dịch lao động trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Về phía các cơ sở đào tạo, cần chú trọng xây dựng, rà soát lại chương trình đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới và phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xã hội.

Kế toán, kiểm toán và tài chính doanh nghiệp trong nền kinh tế số
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Đức Việt.

Phát triển nhanh thanh toán điện tử trong nền kinh tế số

Theo PGS.TS Hà Minh Sơn - Học viện Tài chính, trong những năm qua, cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là hạ tầng thanh toán điện tử tiếp tục được chú trọng đầu tư. Từ đó cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) cung ứng các dịch vụ, phương tiện thanh toán hiện đại, đa dạng, tiện lợi, mở rộng phạm vi cung ứng trên toàn quốc.

Các công nghệ mới, hiện đại được các ngân hàng nghiên cứu, hợp tác ứng dụng trong thanh toán như: Xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS...

Đặc biệt, là việc thanh toán bằng QR Code gắn với đẩy mạnh thanh toán qua điện thoại di động hợp với xu thế phát triển trên thế giới và hành vi người tiêu dùng.

Theo Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), đến tháng 5/2020, cả nước có khoảng 19,2 nghìn ATM, hơn 277 nghìn POS, khoảng 78 NHTM triển khai dịch vụ Internetbanking, 49 NHTM cung ứng dịch vụ Mobile Banking, 30 NHTM và 6 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp triển khai thanh toán với khoảng 80 nghìn điểm QR Code.

Trong khu vực Chính phủ, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã được kết nối với toàn bộ 63 Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh trong cả nước. Có khoảng 50 NHTM hoàn thành kết nối với hệ thống nộp thuế điện tử của Tổng cục Thuế, Hải quan; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện, doanh thu tiền điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%...

PGS.TS Hà Minh Sơn cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế số hiện nay, sự bùng nổ của công nghệ thông tin và Internet đã tạo tiền đề cho thương mại điện tử phát triển. Các giao dịch giữa các đối tác kinh doanh tiếp tục phát triển trên nền tảng thương mại điện tử, giải pháp thanh toán điện tử xuất hiện để thay thế các hệ thống thanh toán bằng tiền mặt. Khi dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, thì thanh toán điện tử với ưu điểm nhanh, gọn, tiện lợi, an toàn ... trở thành giải pháp hữu hiệu giảm thiểu khả năng lây nhiễm và là xu hướng chung trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

Tại hội thảo, các chuyên gia thảo luận, làm rõ hơn các khái niệm, vai trò, chức năng của kế toán, kiểm toán và tài chính của doanh nghiệp trong bối cảnh thực hiện nền kinh tế số; tác động của ứng dụng công nghệ số đến quy trình và phương pháp của kế toán, kiểm toán và các công cụ quản trị tài chính; thực tiễn chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số; tác động của phát triển kinh tế số đến yêu cầu đối với nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán và tài chính cho khu vực doanh nghiệp…/.