Vướng mắc nằm ở khâu chuẩn bị đầu tư
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 đang rất chậm so với quy định. Hết ngày 31/3/2023, cả nước mới giải ngân đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo Bộ trưởng, việc giải ngân chậm sẽ không tạo được sức hút cho các nguồn vốn khác như nguồn vốn xã hội hóa, các nguồn vốn đầu tư khác… Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế và sự trung chuyển nguồn vốn trong nền kinh tế bị ứ đọng, không tạo ra được hiệu quả kinh tế cao trong đầu tư công.
Bộ trưởng Bộ Tài chính đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư tại Đắk Nông, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương. |
Việc giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều khó khăn, vướng mắc và tập trung ở tất cả các khâu trong quy trình quản lý dự án đầu tư. Một trong những nút thắt của công tác này là khó khăn, vướng mắc trong quy định của luật pháp đối với dự án đầu tư công.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vừa qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện và các văn bản chỉ đạo, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhằm mục tiêu phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước đã được giao. |
Cụ thể, dự án sau khi được giao vốn (trung hạn và hàng năm) cho nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư mới bắt đầu thực hiện các bước lập, thẩm định quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án. Khi xong thủ tục chuẩn bị đầu tư (phê duyệt xong dự án) mới thông báo vốn để thực hiện dự án, triển khai các bước tiếp theo như lập thiết kế, dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu... Quy trình này phải thực hiện qua nhiều bước với nhiều khâu thẩm định, nên từ khi dự án bắt đầu bước thủ tục đến khi giải ngân được thường mất từ 6 tháng đến 1 năm, đối với dự án nhóm A có thể tới 2 năm.
Hơn nữa, các dự án đầu tư xây dựng thường gắn với giải phóng mặt bằng (GPMB). Tuy nhiên, công tác đền bù GPMB được thực hiện đồng thời với quy trình thực hiện dự án, vì vậy nhiều trường hợp dự án đã đấu thầu xong nhưng chưa có mặt bằng để thi công... Đây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng giải chậm giải ngân thời gian qua.
Giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm của cả nước đạt thấp. Ảnh minh họa: H.T |
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, những khó khăn về thể chế, cơ chế chính sách trong giải ngân vốn đầu tư công đã từng được Chính phủ đề cập trong báo cáo Quốc hội về tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Chính phủ đánh giá, toàn bộ quá trình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công chịu sự quy định của pháp luật của nhiều ngành, lĩnh vực liên quan, quy định thủ tục còn rườm rà và kéo dài thời gian, nhiều khâu thực hiện, trong đó khó khăn chủ yếu về lĩnh vực đất đai, đấu thầu, tài nguyên môi trường.
Cần phân cấp mạnh hơn
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong quy định hiện nay, để khơi thông dòng vốn đầu tư công, cần có các giải pháp căn cơ, lâu dài là sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng thông thoáng, giảm vướng mắc. Chẳng hạn như tách phần GPMB ra thành 1 dự án riêng để triển khai trước. “Như vậy, khi đấu thầu, ký hợp đồng xong, bên thi công có thể nhận mặt bằng sạch để triển khai thi công dự án, từ đó sẽ sớm có khối lượng thanh toán, giải ngân, công trình sớm được đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó cần phân cấp chủ quản đầu tư, nghiên cứu thêm trường hợp chủ đầu tư có thể chủ động sử dụng một số khoản kinh phí hợp pháp ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn (kể cả nguồn vốn chi thường xuyên) để lập dự án, chuẩn bị đầu tư trước thay vì phải đợi tổng hợp hay bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Các quy trình quản lý hiện hành cũng cần phân cấp mạnh hơn, toàn diện hơn, không quy định giữ một vài khâu quản lý ở trên đối với các nội dung đã phân cấp cho cấp dưới.
Ngoài ra, trong công tác chuẩn bị đầu tư, Bộ trưởng cho rằng, cần phải xác định được nguồn nguyên vật liệu để đảm bảo cung cấp đầy đủ, không bị ách tắc khi triển khai công trình. Công tác điều chỉnh giá nguyên vật liệu cũng cần được các cơ quan có thẩm quyền thông báo giá kịp thời để điều chỉnh, đảm bảo công trình không bị gián đoạn và không gây thiệt hại cho nhà thầu.
Bộ Tài chính thực hiện nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư côngĐể góp phần cùng cả nước đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, với chức năng quản lý, thanh toán vốn, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này. Về cơ chế chính sách: Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công. Theo đó, cơ quan kiểm soát thanh toán vốn đầu tư công thực hiện thanh toán theo quy trình “thanh toán trước, kiểm soát sau” cho từng lần giải ngân cho đến khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng thì mới chuyển sang hình thức “kiểm soát trước, thanh toán sau”. Đồng thời, thời gian kiểm soát chi hiện nay đã được rút ngắn xuống chỉ từ 1-3 ngày làm việc. Bộ Tài chính cũng đã có nhiều văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp để đánh giá các vướng mắc về cơ chế và đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện hệ thống pháp luật về đầu tư công. Đồng thời, đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn ngân sách nhà nước, đáp ứng tiến độ của các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thực hiện kịp thời công tác nhận xét và kiểm tra phân bổ vốn đầu tư nguồn NSNN hàng năm theo quy định của Luật NSNN và Nghị định số 99/2021/NĐ-CP để nhập hoặc phê duyệt dự toán ngay cho các dự án đủ điều kiện. Ngoài ra, qua công tác kiểm tra phân bổ, Bộ Tài chính đã có ý kiến đối với các nội dung phân bổ chưa đúng quy định, chưa đủ điều kiện kiểm soát giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương như: Bố trí vốn cho các dự án khởi công mới chưa đủ điều kiện, phân bổ chưa đúng ngành, lĩnh vực theo quy định, bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp đã quá thời gian bố trí vốn,… Trên cơ sở đó các bộ, cơ quan trung ương có cơ sở để hoàn thiện công tác phân bổ theo đúng quy định. |