Mùa thanh toán cho mua sắm Tết

Không khí mua sắm Tết đang bước vào những ngày sôi động nhất. Điều đáng chú ý trong những ngày này là người dân đã chuyển thói quen sang sử dụng các hình thức thanh toán trực tuyến nhiều hơn, thay vì thói quen sử dụng tiền mặt như trước đây.

Theo Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), càng về những ngày sát Tết Nguyên đán, cùng với nhu cầu mua sắm của người dân tăng lên, số lượng giao dịch chuyển tiền/thanh toán trực tuyến cũng xu hướng tăng theo. Tuy nhiên, hệ thống Napas chưa ghi nhận tăng trưởng đột biến về số lượng giao dịch, giao dịch thanh toán qua Napas trong tháng 1/2023 chỉ tăng khoảng 20% so với trung bình những tháng cuối năm 2022.

Người dân ngày càng chuyển dịch thói quen sang thanh toán trực tuyến

Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay 66% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán; trong đó 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC). Tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%, nhiều ngân hàng Việt Nam đã có trên 90% giao dịch trên kênh số.

Xu hướng gia tăng thanh toán trực tuyến – đặc biệt được thể hiện trong những ngày cao điểm mua sắm giáp Tết – là một tín hiệu khá tích cực cho cả phía ngân hàng và người dân.

Ở góc độ người dân, việc sử dụng các dịch vụ thanh toán đã giúp cho các hoạt động mua bán thuận lợi hơn, ít bị lệ thuộc vào tiền mặt, hiện tại không còn tình trạng người dân phải xếp hàng chờ rút tiền ở các cây ATM vào các dịp gần Tết như diễn biến thường gặp ở các năm trước.

Trong khi đó, các ngân hàng đang đặt kỳ vọng khá nhiều về việc gia tăng biên lợi nhuận từ việc thúc đẩy hoạt động thanh toán khi người dân sẽ để tiền nhiều hơn trong tài khoản ngân hàng, thay vì để nhiều tiền mặt ở nhà như trước đây.

Không khí thanh toán tăng nhiệt, hé lộ thông điệp điều hành năm 2023
Thanh toán điện tử đang trở thành thói quen của người dân. Ảnh: T.L
Lãi suất liên ngân hàng nhích tăng, gợi ra những góc nhìn mới

Thông điệp điều hành năm 2023

Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã đưa ra các thông điệp cho việc điều hành thị trường tiền tệ trong năm 2023. Theo đó, Thống đốc NHNN đã có văn bản yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN và các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2023 nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

NHNN rà soát từng ngân hàng để phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng

NHNN cho biết trong thời gian tới sẽ thông báo và định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh; trong đó căn cứ một số tiêu chí cơ bản như kết quả xếp hạng tổ chức tín dụng, mức độ tập trung tín dụng, lãi suất, việc tham gia hỗ trợ xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, tình hình thực tiễn thị trường...

Về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và vàng, cơ quan quản lý thị trường tiền tệ cho biết sẽ bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm đạt các mục tiêu. Trong đó, NHNN sẽ quan tâm điều hành nghiệp vụ thị trường mở phù hợp với diễn biến thị trường, hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ.

NHNN tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay; điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát…

Không khí thanh toán tăng nhiệt, hé lộ thông điệp điều hành năm 2023
Các cây ATM không còn đông đúc trong những dịp giáp Tết như trong những năm trước. Ảnh: T.L

Tỷ giá “lăn tăn” sóng

Diễn biến tỷ giá tăng giảm với biên động sóng rất nhẹ trong tuần qua. Mở đầu tuần, tỷ giá USD trung tâm 16/1 được NHNN công bố điều chỉnh giảm nhẹ chỉ 1 đồng mỗi Đô la so với cuối tuần trước, ghi nhận ở mức 23.601 đồng/USD. Tiếp đó, tỷ giá USD trung tâm có 2 phiên tăng, và một phiên giảm, chốt ngày giao dịch cuối cùng năm Nhâm Dần ở mức 23.605 đồng/USD.

Tại ngân hàng thương mại, Vietcombank có một số phiên giữ ổn định tỷ giá, trong khi một số phiên có điều chỉnh nhưng biên độ điều chỉnh chỉ khoảng 10 – 20 đồng mỗi Đô la. Trong phiên giao dịch cuối cùng ngày 19/1, tỷ giá Đô la Mỹ tại Vietcombank ghi nhận ở mức 23.270/23.300/23.620 đồng/USD (mua tiền mặt/mua chuyển khoản/bán ra), chỉ cao hơn khoảng 10 đồng mỗi Đô la so với phiên đầu tuần.

Tỷ giá ổn định thời điểm này tiếp tục hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt thời điểm này là giai đoạn nhiều doanh nghiệp đang phải hoạch định các kế hoạch chuẩn bị nguồn ngoại tệ cho hoạt động nhập khẩu cho chu kỳ kinh doanh mới sau đợt nghỉ Tết.

Giá vàng tăng nhẹ

Giá vàng giảm trong phiên đầu tuần, nhưng sau đó lại có diễn biến tăng nhẹ trong các phiên tiếp theo.

Mở cửa thị trường hôm đầu tuần ngày 16/1, giá vàng SJC ở Hà Nội giảm 100 nghìn đồng/lượng, ghi nhận ở mức 66,4 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 67,22 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Giá vàng tiếp tục đứng giá trong phiên tiếp theo, nhưng có xu hướng tăng vào cuối tuần và ghi nhận mức giá vàng miếng SJC tại Hà Nội sáng hôm 19/1 là 66,7 triệu đồng/lượng mua vào và 67,72 triệu đồng/lượng bán ra.

Trên thế giới, vàng được dự báo tiếp tục tăng giá, sẽ sớm chạm ngưỡng 2.000 USD/ounce và thiết lập kỷ lục mới trong năm 2023 cho dù trước mắt sẽ chịu áp lực trước ngưỡng kháng cự 1.930 USD/ounce. Theo Bank of America, vàng sẽ chiếm một vị trí quan trọng trong danh mục đầu tư của các tổ chức trong vòng 3 năm tới.