Khu vực tư nhân không chỉ đóng góp về kinh tế, mà còn tạo công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội
Hội nghị chiến lược phát triển kinh tế tư nhân 2024. Ảnh: Thế An.

Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng trong nền kinh tế

Kinh tế tư nhân đang đóng góp gần 45% GDP cả nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo việc làm cho 85% số lao động cả nước; chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Hiện tại, Quảng Ninh có 16.981 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký đạt 346.642 tỷ đồng, trong đó đã hình thành, phát triển một số doanh nghiệp khu vực tư nhân có quy mô lớn, đang từng bước kinh doanh đa ngành và trở thành những yếu tố quan trọng trong nền kinh tế.

Giai đoạn 2017 - 2023, trên địa bàn tỉnh đã có 10.555 doanh nghiệp thành lập mới, cao hơn 1,7 lần mức trung bình giai đoạn 2011 - 2016. Đầu tư của kinh tế tư nhân không ngừng tăng, bình quân tăng hơn 10,2%/ năm, tỷ trọng của kinh tế tư nhân chiếm khoảng 70% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Đóng góp khu vực kinh tế tư nhân vào thu ngân sách nội địa chiếm khoảng 14-15% tổng thu ngân sách nội địa của tỉnh. Khu vực tư nhân góp phần rất quan trọng không chỉ về kinh tế, mà cả về bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết lao động, việc làm.

Khu vực tư nhân không chỉ đóng góp về kinh tế, mà còn tạo công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội
Ông Cao Tường Huy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thế An.

Tại hội nghị, ông Cao Tường Huy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Quảng Ninh có vị trí địa chiến lược về địa chính trị, địa kinh tế với những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế so sánh cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

Trong những năm qua, nhất là trong những năm gần đây, kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng cao và ổn định, giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 2 con số trong 9 năm liên tiếp. Kết quả thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân.

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh hỗ trợ cho doanh nghiệp

Khu vực tư nhân không chỉ đóng góp về kinh tế, mà còn tạo công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thế An.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chia sẻ, thế giới đang bước vào giai đoạn mới trên nền tảng khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nên các doanh nghiệp, doanh nhân phải có chiến lược phát triển mới. Hội nghị được tổ chức đúng thời điểm doanh nghiệp cần sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả từ cải cách của Chính phủ và sự đồng hành của chính quyền địa phương.

Kinh nghiệm quốc tế cũng như trong nước cho thấy, cải cách mạnh mẽ, cải thiện môi trường kinh doanh là hỗ trợ thiết thực, hiệu quả và có giá trị nhất đối với doanh nghiệp trong thời kỳ sau khủng hoảng. Đây cũng là thời điểm để tạo đột phá về cải cách, qua đó giúp địa phương cũng như nền kinh tế phục hồi và phát triển.

Ông Cao Tường Huy khẳng định: “Quảng Ninh đặt mục tiêu hướng đến năm 2030 trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc. Do đó, hội nghị này sẽ góp phần đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa doanh nhân, doanh nghiệp với các nhà khoa học, thúc đẩy tiếp cận khoa học công nghệ, tạo đột phá trong sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động để doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững”.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, năm 2024 và các năm tiếp theo, các cơ quan chức năng cần tiếp tục có những giải pháp, chính sách nhằm “giữ lửa” đà cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho kinh tế tư nhân.

Trong bối cảnh đó, tiếng nói thực tiễn từ cộng đồng doanh nghiệp nói chung và hệ sinh thái doanh nhân trẻ nói riêng trong hoạch định chính sách cho sự phát triển của kinh tế tư nhân, sự phát triển của quốc gia là rất cần thiết...

Ngoài ra, tại hội nghị, các diễn giả chia sẻ về việc thúc đẩy hệ sinh thái nghiên cứu và truyền thông chính sách; kinh nghiệm hợp tác quốc tế, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, phát triển thị trường, nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập; phát triển địa phương, cụm, vùng, quốc gia; giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu và tăng cường hợp tác công - tư…/.