Lộ trình đã được dự báo

Đầu tháng 2/2023, FED đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, đưa phạm vi lên 4,5% đến 4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007 và ghi nhận đợt tăng lần thứ 8 trong vòng 1 năm qua. Cũng như những lần tăng lãi suất trước, FED vẫn đang đặt kỳ vọng đây là một trong những giải pháp cứng rắn để kiềm chế lạm phát.

Với mức lãi suất tăng thêm 0,25 điểm phần trăm, đợt tăng lãi suất của FED lần này cũng nhẹ nhàng hơn so với giai đoạn đỉnh điểm năm 2022, khi họ đã từng thực hiện 4 lần liên tiếp tăng lãi suất thêm 0,75 điểm trong giai đoạn cách đây khoảng nửa năm. Sau đó, các động thái của FED đã dần nhẹ tay hơn, khi chuyển sang mức tăng thấp hơn là 0,5% vào tháng 12. Trong các thông báo gần đây, nhiều chuyên gia cũng cho biết họ nghĩ rằng FED có thể sẽ thu hẹp quy mô của các đợt tăng lãi suất mà không đưa ra dấu hiệu về thời điểm kết thúc.

Nguồn: Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ.
Nguồn: Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ

Theo đánh giá của ông Phùng Trung Kiên - Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán AIS, việc FED tăng lãi suất đương nhiên sẽ có những tác động nhất định, nhưng không còn mạnh như những gì diễn ra trong năm 2022 vì lạm phát ở Mỹ đã đạt đỉnh vào tháng 6/2022 và hạ nhiệt dần sau đó. Theo đó, các ngân hàng trung ương khác trên thế giới cũng sẽ ít chịu áp lực phải tăng lãi suất theo, hoặc nếu có thì cũng nhẹ hơn nhiều so với trước.

Trong diễn biến sắp tới, các chuyên gia cũng đưa ra dự báo FED sẽ công bố mức lãi suất tiếp theo vào tháng 3 và có khả năng mức nâng sẽ vào khoảng 0,25 điểm phần trăm như lần này để giữ lãi suất ở mức khoảng 5,25% trong thời gian còn lại trong năm. Mặc dù vậy, kết quả cụ thể vẫn còn cần diễn biến thực tế trên thị trường, bởi quyết định của FED ra sao sẽ phải được đối chiếu với yếu tố vĩ mô của Mỹ như tình hình lạm phát, sức tiêu dùng… của nền kinh tế.

Ít tác động đến thị trường trong nước

Chính bởi việc tăng lãi suất lần này đã nằm trong dự đoán, nên việc tác động của FED là không lớn đối với thị trường tiền tệ trong nước. Tỷ giá của VND/USD vẫn giữ trạng thái khá ổn định kể cả sau khi thông tin tăng lãi suất được đưa ra. Tỷ giá USD trung tâm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố hôm 2/2 thậm chí giảm 2 đồng mỗi USD so với phiên hôm trước, một số phiên sau đó, tỷ giá trung tâm có sự điều chỉnh tăng ở mức vừa phải. Tỷ giá do các ngân hàng thương mại công bố cũng không có biến động lớn đáng kể từ đầu tháng 2 đến nay.

Phản ứng của tỷ giá theo đó đã khác khá nhiều so với những lần tăng lãi suất trước của FED, đặc biệt các đợt tăng lãi suất của FED trong quý III/2022 đã làm cho tỷ giá VND/USD trong giai đoạn này tăng rất mạnh, khiến cho NHNN phải thực hiện 2 đợt tăng lãi suất cơ bản và hồi cuối tháng 9 và cuối tháng 10/2022.

Ông Phùng Trung Kiên cho biết, hiện nay dự trữ ngoại hối vẫn còn ở mức tốt, có thể đủ tài trợ được cho vài tháng nhập siêu. Trong khi đó, cán cân thương mại hiện nay vẫn đang trong tình trạng xuất siêu nên nguồn cung ngoại tệ vẫn dồi dào.

Một số nội dung tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN của Ngân hàng nhà nước đầu năm 2023 về điều hành chính sách tiền tệ

Bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra.

Điều hành nghiệp vụ thị trường mở phù hợp với diễn biến thị trường, hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ.

Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2022 đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa cả năm 2022 xuất siêu 11,2 tỷ USD, đây là mức xuất siêu cao hơn khá nhiều so với mức 3,32 tỷ USD năm 2021. Đặc biệt, xuất siêu trong riêng tháng 1/2023 đã cao hơn cả năm 2021 với mức 3,6 tỷ USD khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2023 đạt 25,08 tỷ USD, còn kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng này chỉ là 21,48 tỷ USD. Ông Kiên cho biết, các chính sách của Chính phủ cũng đang tiếp tục hướng tới việc hỗ trợ xuất khẩu và đây sẽ là yếu tố lợi thế cho việc thu hút nguồn cung USD, nhờ đó tiếp tục duy trì ổn định tỷ giá về trung và dài hạn.

Mặc dù vậy, lãi suất của FED vẫn còn trong xu hướng tăng cũng đang là một trong những lực cản khiến cho nỗ lực giảm lãi suất của các ngân hàng sẽ phải đối mặt với khó khăn lớn hơn. Cuối năm 2022, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ thuộc NHNN cho biết, xu hướng dịch chuyển dòng vốn trên toàn cầu vẫn duy trì, tuy không mạnh như 2022 nhưng sẽ còn dai dẳng. Đặc biệt kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 190% GDP nên áp lực từ bên ngoài vẫn đặt ra nhiều thách thức cho điều hành lãi suất, tín dụng, tỷ giá trong năm 2023.