hoi

Lượng kiều hối về Việt Nam đã liên tục tăng lên qua các năm

Vai trò của kiều hối

Trước hết, kiều hối là ngoại tệ mạnh từ nước ngoài chuyển về trong nước. Ngoại tệ mạnh được xét dưới 3 khía cạnh. Thứ nhất là sức mạnh của bản thân đồng USD, bởi đây là đồng tiền của nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới (khoảng 21 nghìn tỷ USD, lớn gấp rưỡi quy mô của nền kinh tế lớn thứ 2 khoảng 14 nghìn tỷ USD của Trung Quốc). Khi đồng tiền này chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng dự trữ quốc tế của các nền kinh tế, trong tổng thanh toán quốc tế, khi có quy mô lớn nhất về tổng kim ngạch xuất + nhập khẩu trong các nước và vùng lãnh thổ,…

b11
LƯỢNG KIỀU HỐI VỀ VIỆT NAM TỪ 1993 ĐẾN NAY (triệu USD)

Thứ hai, Việt Nam còn là nước đang phát triển, rất cần vốn đầu tư và an toàn tài chính trong thanh toán quốc tế với dự trữ ngoại hối tăng, ổn định vĩ mô,… Thứ ba, ở Việt Nam, nếu tính theo tỷ giá sức mua tương đương (PPP), thì 1 USD nếu vào Việt Nam có sức mua gấp khoảng 3 lần ở Mỹ - điều đó lý giải tại sao GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2020 tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái chỉ đạt 2.799 USD, nhưng nếu tính theo PPP đã đạt khoảng 8.400 USD,…

Kiều hối là khoản tiền lớn khi so với các nguồn khác và so với GDP. Với 2 khoản lớn (của Việt kiều và của lao động xuất khẩu), ngoài ý nghĩa chung ở trên, mỗi khoản còn có ý nghĩa riêng. Nguồn do Việt kiều gửi về không chỉ là tiền, mà quan trọng hơn là thể hiện tấm lòng hướng về cội nguồn, đất nước, quê hương, người thân của bà con. Nguồn do người lao động xuất khẩu gửi về còn là kết quả từ sự khéo tay, cần cù, nắm bắt công nghệ, năng động, sáng tạo, tác phong làm việc, với ý thức giờ làm thuê ở nước ngoài, để làm chủ trong tương lai khi về nước.

Kết quả tích cực, tín hiệu khả quan

Năm 2020 lượng kiều hối nhiều gấp 113,2 lần năm 1993- năm đầu tiên có thông tin về kiều hối – bình quân 1 năm tăng 19,1%. Đây là tốc độ tăng rất cao so với tốc độ tăng chung của các nước. Tính từ năm 1993 đến nay, tổng lượng kiều hối về Việt Nam đạt khoảng 184,85 tỷ USD, bình quân 1 năm đạt 6.602 triệu USD, bằng khoảng 6,5% GDP.

Như vậy, lượng kiều hối về Việt Nam đã liên tục tăng lên qua các năm (chỉ bị giảm vào năm 2009 - do cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu). Đây là lượng ngoại tệ lớn so với các nguồn ngoại tệ khác. Năm 2020 xuất siêu gần 20 tỷ USD nhưng chủ yếu do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN), còn khu vực trong nước nhập siêu lớn. Thực hiện vốn ĐTNN đạt 20 tỷ USD, nhưng có một phần do vay trong nước và góp vốn của trong nước, lợi nhuận do nước ngoài thu. ODA thực chất là vốn vay, phần ưu đãi đã giảm thiểu. Vốn đầu tư gián tiếp vào/ra rất khó kiểm soát. Chi tiêu của khách quốc tế năm 2020 chỉ đạt 2,5 tỷ USD và thấp hơn số chi tiêu của khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài,….

Năm 2020, lượng kiều hối của Việt Nam được WB xếp thứ 9/10 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cụ thể: Ấn Độ 83 tỷ USD, Trung Quốc 60 tỷ USD, Mehico 43 tỷ USD, Philipines 35,1 tỷ USD, Ai Cập 30 tỷ USD, Paskixtan 26 tỷ USD, Banglades 22 tỷ USD Nigieria 17 tỷ USD, Việt Nam 17 tỷ USD, Ucraina 15 tỷ USD). Nếu tính lượng kiều hối/GDP, Việt Nam còn ở thứ bậc cao hơn (Việt Nam chiếm gần 6,4%, cao hơn của Trung Quốc 0,5%, Ấn Độ 2,8%, Mehico 3,3%). Nếu tính bình quân dân số thì của Việt Nam năm 2019 đạt 173,1 USD, cao hơn của một số nước có tổng lượng kiều hối đứng trên. Năm 2020 của Việt Nam đạt 176,3 USD/người.

Năm 2021 mới trải qua 1/3 thời gian, nhưng kết quả khả quan. Nhiều người do dịch bệnh nên không về ăn Tết nên tiền gửi về không những không giảm mà còn tăng. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, sau 4 tháng TP. Hồ Chí Minh đã đạt 2 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2020 giảm 20%, nhưng cả năm đạt 6,1 tỷ USD, trong khi TP. Hồ Chí Minh thường chiếm 40% cả nước).

Hai lý do tích cực khiến lượng kiều hối gia tăng

Nguyên nhân có nhiều, trước hết là đối với người gửi. Số lao động làm hợp đồng dài hạn ở nhiều nước và vùng lãnh thổ có khoảng 580 nghìn, hiện ở Đài Loan 230 nghìn, Nhật Bản 230 nghìn, Hàn Quốc 90 nghìn, Malaysia và Đông Timo 30 nghìn, Trung Đông, châu Phi và châu Âu 45 nghìn.

Số tiền mà người lao động gửi về ước đạt 3 đến 4 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 20% tổng lượng kiều hối về Việt Nam.

Có nguyên nhân do chính sách của Nhà nước có 2 điểm tích cực đáng lưu ý. Thứ nhất, người nhận ngoại hối có khoản thu nhập ngoài, dù là thu nhập cá nhân, dù ít, dù nhiều, nhưng không phải nộp thuế thu nhập cá nhân như các khoản thu nhập cá nhân khác - đây là sự khuyến khích, ưu ái hơn hẳn so với nhiều nước trên thế giới. Thứ hai, người nhận kiều hối được tự quyết định nhận bằng ngoại tệ gốc hay đổi thành tiền Việt Nam để sử dụng, hoặc gửi tiết kiệm,... Do lãi suất tiết kiệm bằng VND cao hơn, bảo đảm thực dương trong thời gian khá dài, nên người nhận kiều hối thường đổi sang VND để sử dụng, không găm giữ USD. Ở Việt Nam lãi suất gửi ngân hàng bằng tiền VND cao hơn so với tiền gửi với lãi suất rất thấp của người có kiều hối gửi gần như bằng 0 ở nước ngoài, lãi suất tiền gửi ngoại tệ ở trong nước bằng 0, trong khi tỷ giá VND/USD từ mấy năm nay cơ bản ổn định.

Cùng với đó, có nguyên nhân từ việc chuyển/nhận tiền nhìn chung là thuận lợi, nhanh chóng từ các đơn vị dịch vụ nhận/trả kiều hối tăng lên trong mấy năm qua, có đơn vị người nhận kiều hối còn được tích điểm thưởng,… để khuyến khích.

Một nguyên nhân rất quan trọng - kiều hối không chỉ là tiền. Quan trọng hơn, thể hiện tấm lòng Việt kiều và ý chí thoát nghèo của người lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài,…

TS. Đỗ Văn Huân