![]() |
Củng cố nhiều tín hiệu lạc quan
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp là một trong những yếu tố nổi lên trong bức tranh kinh tế, khi chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) chỉ riêng tháng 5/2024 ước tính tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 8,9% (so với cùng kỳ năm trước). Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, IIP ước tính tăng 6,8% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,0%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,3%, đóng góp 6,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,7%, đóng góp 1,1 điểm phần trăm…
Về diễn biến đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến cuối tháng 5/2024 (bao gồm: vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt gần 11,07 tỷ USD, tăng 2,0%. Về tình hình đầu tư nước ngoài, điểm sáng là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm tháng đầu năm 2024 ước đạt 8,25 tỷ USD, tăng 7,8%.
Đặc biệt, tình hình thu ngân sách cũng làm một điểm nhấn trong bức tranh kinh tế khi tổng thu ngân sách nhà nước tháng 5/2024 ước đạt 150,9 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 898,4 nghìn tỷ đồng, hơn 52% dự toán năm và tăng 14,8%. Tổng chi ngân sách nhà nước tháng 5/2024 ước đạt hơn 140 nghìn tỷ đồng; lũy kế năm tháng đầu năm 2024 ước đạt 656,7 nghìn tỷ đồng, bằng 31% dự toán năm và tăng 0,5%.
Sức tiêu dùng của nền kinh tế đang tiếp tục phát đi các tín hiệu phục hồi khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 5/2024 ước đạt 519,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 2.580,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.
Chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2024 được các địa phương trên cả nước đẩy mạnh, thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 5/2024, số lượng khách quốc tế đến nước ta đạt gần 1,4 triệu lượt người, tăng 51,0%. Tính chung năm tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 7,6 triệu lượt người, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
“Điểm gợn” từ nhập siêu
Bức tranh kinh tế mặc dù đang thể hiện nhiều điểm sáng, nhưng một số tín hiệu cảnh báo cũng đang lộ diện và có thể ảnh hưởng đến hoạt động của nền kinh tế.
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 5, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 66,62 tỷ USD, tăng 9,1% và tăng 22,6%. Một trong những tín hiệu rất đáng chú ý là nền kinh tế sau một giai đoạn dài thường xuyên duy trì trạng thái xuất siêu thì đã chuyển trạng thái nhập siêu trong tháng 5/2024.
Cụ thể, cán cân thương mại hàng hóa tháng 5 ước tính nhập siêu 1 tỷ USD. Mặc dù vậy nếu tính chung 5 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu hơn 8 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,2 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,26 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 19,27 tỷ USD.
Cụ thể về diễn biến xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2024 ước đạt 32,81 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước và tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 43,69 tỷ USD, tăng 20,5%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 113,08 tỷ USD, tăng 13,3%, chiếm 72,1%. Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm tháng đầu năm 2024, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 137,39 tỷ USD, chiếm 87,7%.
Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2024 ước đạt 33,81 tỷ USD, tăng 12,8% so với tháng trước và tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 148,76 tỷ USD, tăng 18,2%, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 54,95 tỷ USD, tăng 24,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 93,81 tỷ USD, tăng 14,9%. Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 139,89 tỷ USD, chiếm 94%.
Cán cân thương mại hàng hóa là một trong những yếu tố có thể ảnh hưởng đến tỷ giá và theo số liệu của Tổng cục Thống kê chỉ số giá USD tháng 5/2024 tăng 1,15% so với tháng trước, tăng 4,21% so với tháng 12/2023, tăng 7,85% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 5 tháng đầu năm 2024 tăng 5,24%. Mặc dù vậy, một số chuyên gia cho rằng, áp lực nhập khẩu xuất hiện thời gian gần đây chỉ là tạm thời và đằng sau yếu tố có vẻ tiêu cực nêu trên cũng là yếu tố tích cực do ảnh hưởng của nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu của các doanh nghiệp tăng trong bối cảnh kinh tế phục hồi.
Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước, cho biết, nhập khẩu của nền kinh tế phục hồi mạnh làm gia tăng nhu cầu mua ngoại tệ, đặc biệt nhu cầu ngoại tệ để thanh toán nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu thiết yếu phục vụ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, theo ông Quang, việc nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu vào phục vụ quá trình phục hồi kinh tế sẽ tạo tiền đề thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu, từ đó tạo nguồn thu ngoại tệ trong tương lai. Chu kỳ này có thể giải tỏa bớt áp lực tỷ giá trong thời gian tới.
Về mặt trung và dài hạn, ông Quang cho biết, trong thời gian tới với đà phục hồi khả quan của xuất khẩu thì nguồn cung ngoại tệ của thị trường sẽ được hỗ trợ gia tăng, trong khi doanh nghiệp vừa qua tăng mạnh mua ngoại tệ kỳ hạn là yếu tố làm giảm bớt nhu cầu ngoại tệ trong tương lai, qua đó cân đối cung – cầu ngoại tệ có nhiều khả năng được cải thiện tích cực hơn tới đây.
TS. CẤN VĂN LỰC - THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG TƯ VẤN CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH - TIỀN TỆ QUỐC GIA: Kinh tế Việt Nam đã và đang phục hồi mạnh Kinh tế Việt Nam đã và đang phục hồi mạnh qua số liệu tăng trưởng, xuất khẩu và tiêu dùng. Đặc biệt là thu hút vốn đầu tư nước ngoài vẫn là điểm sáng. Về khung khổ pháp lý sẽ được hoàn thiện, năm nay tiếp tục hướng dẫn các luật quan trọng như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng... Trong khi đó, xu hướng xanh hóa và số hóa được cả thế giới và Việt Nam quan tâm thúc đẩy nhanh hơn. Kinh tế phát triển sẽ tạo ra một số cơ hội cho doanh nghiệp, khi kinh tế phục hồi tốt lên, nghiễm nhiên câu chuyện về đầu tư kinh doanh tiêu dùng sẽ được cải thiện. Đặc biệt, các thị trường cơ bản đã trải qua thời kỳ khó khăn nhất như thị trường tài chính, thị trường bất động sản… Năm nay, dự báo kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn thách thức, tuy một điểm tích cực là lạm phát trên thế giới đã giảm tương đối nhanh, theo đó các nước bắt đầu hạ lãi suất, đây là tín hiệu tạo tiền đề phục hồi tốt hơn. Thời gian tới, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương lớn cắt giảm lãi suất, sẽ có 3 lợi ích tích cực với Việt Nam. Đầu tiên, chênh lệch USD/VND giảm, giúp giảm bớt áp lực tỷ giá vốn đã căng thẳng trong thời gian qua. Bên cạnh đó, giảm chi phí huy động vốn, đặc biệt là chi phí cho cả người dân, doanh nghiệp và cả Chính phủ. Ngoài ra, việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư sẽ bớt xáo trộn hơn, khi lãi suất Mỹ còn cao như thời gian qua thì dòng vốn quay trở lại các nước phát triển, khi giảm lãi suất hy vọng dòng vốn sẽ sớm quay trở lại Việt Nam. Cộng với việc Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm tới cũng là một hướng quan trọng thu hút đầu tư gián tiếp vào Việt Nam. Chúng tôi vẫn dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ 6 - 6,5% và lạm phát nằm trong tầm kiểm soát 3,5 - 4%. Tấn Minh (ghi) |
TS. MẠC QUỐC ANH - PHÓ CHỦ TỊCH KIÊM TỔNG THƯ KÝ HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA HÀ NỘI: Tín hiệu tích cực cho tăng trưởng kinh tế cuối năm Hiện nay, tình hình kinh tế ở khu vực và trên thế giới vẫn còn tương đối khó khăn. Tuy nhiên kinh tế Việt Nam trong quý đầu năm là một điểm sáng về sự tăng trưởng với những lĩnh vực là thế mạnh của các doanh nghiệp. Theo đó, quý II, quý III, quý IV/2024 vẫn có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng này. Đặc biệt, những ngành nghề chủ lực như: công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng, lâm nghiệp, nông sản... cũng như những chính sách kích cầu thu hút khách du lịch, sự ổn định hơn của hệ thống tài chính, hệ thống ngân hàng, các vấn đề về nợ xấu cũng đã được kiểm soát. Cùng với đó, lực hút FDI vẫn đang gia tăng, các dự án bất động sản ở khu công nghiệp vẫn tiếp tục được lấp đầy, đây là những động lực phục hồi cho những quý tiếp theo. Những điểm quan trọng nữa là hiện nay Bộ Tài chính tiếp tục trình Chính phủ, Quốc hội để xem xét về việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến ngày 31/12/2024; gia hạn giảm thuế và tiền thuê đất, giảm phí, lệ phí; hay đầu năm 2025 có nhiều văn bản luật về bất động sản, nhà ở sẽ được chính thức thực thi dự báo sự phục hồi của thị trường bất động sản… Đây là những tín hiệu tích cực cho tăng trưởng kinh tế cuối năm 2024 và năm 2025. Văn Nam (ghi) |