Họp báo

Ông Hà Quang Tuyến (bên trái) trả lời báo chí về tình hình kinh tế. xã hội 6 tháng đầu năm 2017. Ảnh: Khánh Linh

Đó là nhận định của Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) tại cuộc họp báo công bố tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2017 do Tổng cục Thống kê tổ chức ngày 29/6/2017 tại Hà Nội.

GDP 6 tháng đầu năm 2017 tăng 5,73%

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, kinh tế - xã hội nước ta trong 6 tháng đầu năm 2017 đã có chuyển biến theo hướng tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, tăng trưởng quý II cao hơn quý trước. Lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; xuất khẩu tăng cao, thu hút khách quốc tế và đầu tư nước ngoài đạt khá. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, "GDP 6 tháng đầu năm 2017 ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 5,15%; quý II đã khởi sắc hơn quý I với tốc độ tăng 6,17%.

Trong mức tăng 5,73% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,65%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,81%, đóng góp 2,0 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,85%, là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ 5 năm gần đây, đóng góp 2,59 điểm phần trăm", ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khóa quốc gia, Tổng cục Thống kê cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Tuyến, nền kinh tế nước ta vẫn còn hạn chế như tốc độ tăng trưởng mới đạt xấp xỉ như dự kiến; tiến độ giải ngân vốn đầu tư chậm; sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn từ các năm trước và giá nông sản, thực phẩm giảm; đời sống một bộ phận dân cư còn gặp khó khăn.

Bên cạnh những khó khăn, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng tin tưởng, nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội 6 tháng cuối năm 2017 còn có rất nhiều dư địa như thành lập các doanh nghiệp mới, điện tử điện lạnh, thuốc lá, cao su...

GDP 6 tháng cuối năm phải đạt trên 7,4%.

Theo ông Lâm, để thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, nhiệm vụ trong những tháng cuối năm là rất lớn. Đồng thời, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,7%, tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm phải đạt trên 7,4%.

"Điều này đòi hỏi các ngành, các cấp, các địa phương phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết như Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017", ông Lâm nhấn mạnh.

Theo đó, ông Nguyễn Bích Lâm cũng cho rằng, các bộ ngành cần tập trung vào 6 nội dung lớn. Trước tiên, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, đảm bảo tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 đạt 18%. Tạo điều kiện thông thoáng cho vay vốn sản xuất kinh doanh, vay tiêu dùng hộ gia đình; phấn đấu giảm lãi suất tín dụng cho vay đầu tư sản xuất, kinh doanh; tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ khởi nghiệp; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các hộ chăn nuôi lợn.

Cùng với đó, các bộ, ngành phải có giải pháp phù hợp để thu hút và huy động các nguồn vốn đầu tư thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tổng vốn đầu tư thực hiện cả năm 2017 đạt 34%-35% GDP.

"Các bộ, ngành và địa phương cần tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó chú trọng các dự án lớn, dự án quan trọng, các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo thực hiện và giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2017. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng; không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản", ông Lâm nói..

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường; Tạo cơ chế về vốn, chủ động nắm bắt thông tin thị trường để doanh nghiệp và người sản xuất ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định giá và ổn định đầu ra cho nông sản..../.

Khánh Linh