Rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao
Thị trường chứng khoán từ đầu tháng 11 tới nay diễn biến không mấy khả quan, chỉ số VN-Index một lần nữa đánh mất ngưỡng tâm lý quan trọng khi giảm dưới 1.000 điểm. Dòng tiền vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng quay trở lại mạnh mẽ trong bối cảnh biến số vĩ mô còn biến động, đặc biệt là khi FED đang nỗ lực kiểm soát lạm phát bằng cách tăng lãi suất.
Tuy nhiên, trong báo cáo chiến lược tháng 11/2022, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Mirae Asset kỳ vọng thị trường sẽ tìm được điểm cân bằng trong tháng 11 sau nhịp giảm điểm vừa qua dựa trên một số cơ sở sự phục hồi gần đây của các thị trường tài chính trên thế giới; tâm lý nhà đầu tư cải thiện; kỳ vọng FED sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất trong tháng 12 và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ phục hồi.
Về vĩ mô, các chuyên gia Mirea Asset dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 đạt ít nhất 7,5 - 8% so với cùng kỳ trong kịch bản cơ sở và trên 8% trong trường hợp tốt nhất. 4 động lực tăng trưởng chính gồm: tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng FDI giải ngân ổn định, giải ngân đầu tư công tăng tốc, tăng trưởng sản xuất công nghiệp và xuất khẩu tích cực.
Nguồn: MBS |
Bên cạnh đó, chuyên gia từ Mirea Asset nhấn mạnh, những yếu tố cần theo dõi trong thời gian tới như tiêu dùng nhìn chung vẫn là động lực chính cho tăng trưởng GDP quý IV năm nay, một phần nhờ so sánh với mức nền thấp cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng có thể sẽ chậm lại so với quý III trong bối cảnh lạm phát tăng cao và nguy cơ suy thoái toàn cầu, cũng như bị ảnh hưởng bởi những xáo trộn gần đây trên thị trường tài chính và bất động sản.
Tốc độ giải ngân FDI có thể chậm lại trong thời gian tới do kỳ vọng tỷ giá USD/VND tăng lên. Quan sát từ Mirea Asset, giải ngân FDI tháng 10 tăng chậm lại, đạt 2 tỷ USD, tương đương mức tăng 8% so với cùng kỳ. Xuất khẩu gần đây đã thể hiện vài dấu hiệu tiêu cực. Xuất khẩu đang chậm lại do tình hình tiêu thụ khó khăn trên toàn cầu. Theo quan điểm của Mirea Asset, rủi ro lớn nhất hiện nay là nguy cơ tăng trưởng đình trệ trong bối cảnh lạm phát cao ở các nước châu Âu.
Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta đánh giá, thị trường có thể tiếp tục nhịp hồi phục trong phiên kế tiếp, tuy nhiên rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao, nên thị trường có thể chỉ xuất hiện các nhịp hồi phục kỹ thuật ngắn hạn và có thể sẽ còn xuất hiện các nhịp hồi do lực cầu giá cao đang có dấu hiệu cải thiện. Ngoài ra, đồ thị giá của chỉ số VN-Index có dấu hiệu hình thành mô hình đảo chiều tăng giá, nhưng điều kiện cần để xác nhận mô hình này là chỉ số VN-Index cần vượt được mức kháng cự 1.024 điểm.
Những “tia sáng” hỗ trợ thị trường
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty cổ phần chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, ở giai đoạn hiện tại, áp lực tỷ giá vẫn còn lớn, khi tỷ giá vẫn còn cao thì đồng nghĩa với nguy cơ lãi suất sẽ tăng lên, điều đó tạo áp lực lớn cho thị trường. Do đó, thị trường khó xác lập xu hướng tăng mạnh mẽ, hoặc chỉ là những nhịp tăng ngắn hạn.
“Mặc dù hiện tại định giá của thị trường về cơ bản đã rất thấp, tuy nhiên khả năng cao kết quả quý IV sẽ bị ảnh hưởng và cũng khiến các doanh nghiệp niêm yết sẽ có mức tăng trưởng kém hơn. Nhà đầu tư hiện tại đang bỏ đi sự quan tâm tới định giá, mà quan tâm nhất là khi nào dòng tiền quay trở lại. Đặc biệt những rủi ro về trái phiếu, rủi ro nhóm cổ phiếu bất động sản hạ nhiệt thì nhà đầu tư mới sẵn sàng quay trở lại thị trường” - ông Minh phân tích.
Tuy nhiên, ông Minh cũng cho rằng, vẫn có những yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường như việc kỳ vọng vào cuộc họp tháng 12 của FED dự kiến sẽ hạ nhiệt, bớt đi áp lực tăng lãi suất với kịch bản tăng 0,5% hoặc tích cực hơn là 0,25%. Nhiều chuyên gia dự báo, khả năng cao sẽ hạ nhiệt hơn so với thời điểm tăng lãi suất trước đó của FED, kéo theo áp lực tỷ giá, áp lực lãi suất cũng sẽ hạ nhiệt hơn so với những tháng vừa qua.
Dòng tiền luân chuyển nhanh và ngắn hơn giữa các nhóm ngành Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, những vướng mắc trên của thị trường sẽ chưa thể cởi bỏ và sự giới hạn dòng tiền khó tạo nên sự tăng điểm đồng loạt của các ngành hay cổ phiếu. Sẽ có sự luân chuyển nhanh hơn và ngắn hơn giữa các nhóm ngành và cổ phiếu. Với diễn biến này, đầu tư ngắn hạn sẽ rất khó tìm kiếm lợi nhuận. Do đó, nhà đầu tư cần duy trì danh mục phòng thủ với tỷ lệ cân bằng giữa tiền mặt và cổ phiếu. |
“Thị trường chứng khoán thế giới cũng đã hút dòng tiền trở lại khi các chỉ số chứng khoán thế giới như Dow Jones, S&P500 hay Shanghai, Hang Seng của Hồng Kông cũng đã tăng mạnh. Điều đó cho thấy thấy rằng, rủi ro từ thị trường thế giới bên ngoài đang giảm dần đi, đó cũng là tia sáng cho thị trường chứng khoán Việt Nam” - ông Minh nhận định.
Còn ông Trần Thăng Long - Giám đốc Phân tích Công ty chứng khoán Chứng khoán BIDV (BSC), cho rằng định giá thị trường Việt Nam đang tương đối thấp so với trung bình chung. Theo thống kê, vùng định giá này với nhà đầu tư dài hạn, thông thường 2, 3 năm trở lên thu được lợi nhuận tương đối tốt, nhưng ngược lại không đảm bảo rằng sẽ không có những biến động trong ngắn hạn.
“Đối với các nhà đầu tư, tôi đánh giá rằng vẫn phải tương đối thận trọng, phụ thuộc vào khả năng chịu rủi ro, cũng như khung thời gian mà họ có thể đầu tư. Giai đoạn hiện tại vẫn là giai đoạn đang có những biến động trong thị trường tài chính, nên nhà đầu tư phải hết sức cảnh giác và nên giữ một tâm thế thận trọng, có thể duy trì đầu tư ở mức độ vừa phải để có thể kiểm soát được rủi ro” - ông Long chia sẻ.