Lãi suất liên ngân hàng giảm nhiệt, hệ thống vẫn ổn định thanh khoản
Việc lãi suất liên ngân hàng tăng có thể là một tín hiệu cho thấy ngân hàng đang có nhu cầu thanh khoản ngắn hạn. Ảnh: TL

Lãi suất liên ngân hàng đã hạ nhiệt

Diễn biến tăng nóng của lãi suất thị trường liên ngân hàng ghi nhận vào tuần gần cuối tháng 2/2024. Khi đó, lãi suất cho vay qua đêm có thời điểm vọt tăng lên mức 4,14%/năm. Mức lãi suất này tiến khá gần với trần lãi suất 5%, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hiện nay, trần lãi suất qua đêm được thực hiện theo Quyết định số 1123/QĐ-NHNN ngày 16/6/2023 của NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ.

Đây là diễn biến khá bất ngờ đối với lãi suất liên ngân hàng bởi mặt bằng lãi suất thị trường này luôn duy trì ở mức thấp trong suốt một giai đoạn dài từ cuối năm 2023 sang đầu năm 2024.

Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng trong suốt giai đoạn từ giữa tháng 11/2023 đến giữa tháng 12/2023 chỉ loanh quanh ở mức rất thấp khoảng 0,14 – 0,18%. Trong một số ngày cuối tháng 12/2023 và đầu tháng 1/2023, lãi suất qua đêm liên ngân hàng có thời điểm nhích tăng, nhưng cũng chỉ khoảng trên dưới 1%. Sau đó, lãi suất thị trường này lại quay về trạng thái giảm rất thấp, kéo dài trong suốt tháng 1/2023, đặc biệt có thời điểm lãi suất qua đêm về mốc chỉ còn 0,13%, là mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.

Mặt bằng lãi suất thị trường tiền tệ liên ngân hàng đã bắt đầu có những tín hiệu “trỗi dậy” từ khoảng đầu tháng 2/2024 với chu kỳ bắt đầu vọt lên khoảng trên 2% thời điểm đầu tháng, quay đầu giảm vào giữa tháng trước khi bất tăng mạnh vào cuối tháng. Sau khi đạt đỉnh 4,14%, hiện tại lãi suất cho vay qua đêm đã quay về mức dưới 3,66%.

Thanh khoản hệ thống vẫn ổn định

Việc lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh trong một số thời điểm đã có tác động tâm lý ít nhiều đối với các nhà đầu tư tài chính, trong đó “điểm nhấn” là phiên giảm điểm mạnh trên thị trường chứng khoán diễn ra hôm 23/2. Mặc dù vậy, tâm lý giới đầu tư cũng ổn định trở lại khá nhanh và thị trường chứng khoán đã bật tăng mạnh trở lại vào đầu tuần tiếp theo.

Trước diễn biến như trên của lãi suất và của thị trường chứng khoán, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường thuộc Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết, việc thị trường áp sát vùng kháng cự mạnh và thông tin lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh trong một vài phiên tuần trước đã khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng và kích hoạt làn sóng chốt lời hôm 23/2.

Tuy nhiên theo ông Hinh, đà tăng của lãi suất liên ngân hàng chỉ là tạm thời do sự thiếu hụt thanh khoản cục bộ chứ không đại diện cho bức tranh chung của hệ thống. Trên thị trường một (thị trường khu vực dân cư), một số ngân hàng vẫn tiếp tục hạ lãi suất huy động, trong khi tín dụng tháng 1 toàn hệ thống tăng trưởng âm do hiệu ứng đầu năm. “Với việc nhu cầu tín dụng hiện chưa cao, chúng tôi cho rằng áp lực lên lãi suất huy động và cho vay sẽ chưa lớn và việc tăng gần đây của lãi suất liên ngân hàng sẽ sớm lắng dịu” - ông Hinh nói.

Tương tự ý kiến ông Hinh, một số chuyên gia tài chính khác cũng cho rằng động thái tăng của lãi suất liên ngân hàng tại một số thời điểm chỉ là những tín hiệu cục bộ và chưa phải bức tranh chung về thanh khoản hệ thống. Trao đổi với TBTCVN, TS. Châu Đình Linh - giảng viên Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho biết, lãi suất liên ngân hàng tăng là do nhu cầu vốn đáp ứng thanh khoản, nhưng có thể xuất phát từ nhu cầu riêng của một vài ngân hàng nhỏ. Nó phản ánh trạng thái huy động vốn của các ngân hàng không giống nhau.

Trong khi đó, thực tế hiện nay cho thấy các ngân hàng lớn dù họ đang để lãi suất rất thấp nhưng vẫn thu hút tiền gửi, đó thường là những ngân hàng có giá trị thương hiệu cao, quy mô tài sản lớn. Theo đó, các ngân hàng này thường là những người cho vay trên thị trường liên ngân hàng.

Lãi suất liên ngân hàng giảm nhiệt, hệ thống vẫn ổn định thanh khoản

Theo dõi lãi suất huy động của các ngân hàng lớn

Việc lãi suất liên ngân hàng tăng tuy có thể là một tín hiệu cho thấy có ngân hàng trong hệ thống đang có nhu cầu thanh khoản ngắn hạn, nhưng thường họ là nhóm ngân hàng quy mô nhỏ và có sự ảnh hưởng không lớn trong toàn bộ hệ thống ngân hàng. Do đó, nhìn một cách tổng thể về tình trạng cân đối dòng vốn của toàn hệ thống, chúng ta cần quan sát diễn biến lãi suất huy động có kỳ hạn của nhóm các ngân hàng lớn.

TS. Châu Đình Linh - Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh