Những yếu tố tác động lên lợi nhuận

Tín dụng tăng trưởng chậm cùng với xu hướng lãi suất giảm đặt ra một số phán đoán cho rằng, các ngân hàng sẽ khó có thể có được những "mùa thu hoạch bội thu" như những năm trước.

Về tín dụng, trong 3 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng chỉ đạt 2,06%, thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, chỉ trong tháng 3/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và định hướng chung là đưa mặt bằng lãi suất cho vay xuống thấp hơn nữa.

Hiện tại, các ngân hàng thương mại đang điều chỉnh giảm lãi suất huy động để “cân bằng” lãi suất. Ảnh: DUY DŨNG
Hiện tại, các ngân hàng thương mại đang điều chỉnh giảm lãi suất huy động để “cân bằng” lãi suất. Ảnh: Duy Dũng

Hiện tại, các ngân hàng thương mại cũng đang điều chỉnh giảm lãi suất huy động để “cân bằng” 2 yếu tố lãi suất đầu vào - đầu ra. Tuy nhiên, một số khoản huy động vốn đã được huy động từ thời điểm lãi suất ở mặt bằng cao thời kỳ cuối năm 2022 vẫn còn trong kỳ hạn có thể sẽ là những “gánh nặng” đối với các ngân hàng trong việc duy trì hiệu quả kinh doanh trước yêu cầu phải thực hiện giảm lãi suất cho vay trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

Theo đánh giá của một số nhà chuyên môn, các yếu tố trên đều có thể tác động làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng, tuy nhiên, tác động có thể chỉ tạm thời và các ngân hàng có thể sớm vượt qua để lấy lại được “phong độ”. TS. Châu Đình Linh - Giảng viên Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho biết, quy mô tín dụng tăng chậm đúng là có khả năng ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của ngân hàng từ hoạt động cho vay.

Tuy nhiên, các số liệu tăng trưởng trong quý I vừa qua có thể chỉ là tạm thời, chưa đại diện cho một giai đoạn lâu dài, đặc biệt là những tháng còn lại của năm 2023 tình hình sẽ thay đổi do tác động của các chương trình hỗ trợ phục hồi đang được thực thi khá mạnh mẽ.

Về vấn đề cân đối nguồn tiền gửi đầu vào huy động thời lãi suất cao cuối năm 2022, ông Linh cho biết, tính chất tiền gửi ngân hàng thường kỳ hạn không dài, thường dưới 1 năm. Bối cảnh hiện tại cũng cho thấy từ thời điểm đỉnh điểm lãi suất cao (khoảng tháng 10/2022) đến nay thì với những khoản tiền gửi dưới 6 tháng đã hoặc sắp đáo hạn. Hơn nữa trong các phương pháp tính toán, ngân hàng cũng đã có các phương án nghiệp vụ để cân đối khoảng cách chi phí đầu vào và thu nhập đầu ra để đảm bảo lợi nhuận phù hợp cho họ.

Mối quan tâm là kiểm soát rủi ro

Với những tính chất như trên, ngân hàng có thể không quá bi quan về tình hình lợi nhuận từ thu nhập lãi thuần, nhưng thực tế không hẳn họ không có điều gì phải lo lắng. Ông Linh cho biết, một số vấn đề khác có thể là mối quan tâm cho các ngân hàng, chủ yếu do quá khứ để lại như hiệu quả các khoản đầu tư chứng khoán, tình hình kiểm soát chất lượng nợ, hoặc những vấn đề về gia tăng cạnh tranh ở mảng dịch vụ làm tăng chi phí…

Chẳng hạn, chất lượng nợ nếu suy giảm cũng là một trong những yếu tố có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng do các ngân hàng sẽ phải tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro. Ngoài ra, rủi ro của các ngân hàng hiện nay cũng còn phát sinh từ nhiều yếu tố khác, liên quan cả đến các tranh chấp dân sự với khách hàng.

Thúc đẩy chuyển đổi số để giảm chi phí

Một trong những giải pháp giảm chi phí hoạt động về mặt lâu dài mà hầu hết các ngân hàng đang “chạy đua” để tối ưu hệ thống là thực hiện chuyển đổi số và thúc đẩy các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay 95% các tổ chức tín dụng đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số tại đơn vị mình. Nhiều tổ chức tín dụng chuyển đổi số ở tốp đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số. Nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số.

Một trong những vấn đề rủi ro nảy sinh gần đây là có trường hợp khách hàng bị mất tiền trong tài khoản. Về mặt pháp lý, các quy trình nghiệp vụ liên quan đến giao dịch gửi tiền và rút tiền tại quầy cũng như giao dịch điện tử hiện nay đều đã được các tổ chức tín dụng ban hành đầy đủ, đảm bảo an toàn cho người gửi và rút tiền.

Tuy nhiên, thực tế vẫn đang có những diễn biến phức tạp cảnh báo các ngân hàng trong việc tăng cường kiểm soát rủi ro để hạn chế mất mát về tiền bạc lẫn uy tín.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, quy định pháp lý thì đều khá đầy đủ, nhưng thực tế có trường hợp cán bộ ngân hàng và khách hàng có quan hệ thân thiết, hoặc tin tưởng lẫn nhau, bỏ qua các bước quy định hoặc khách hàng ký sẵn thủ tục chứng từ rút tiền. Với những tình huống như trên, các ngân hàng sẽ cần sự xem xét, đánh giá thật khách quan nhằm tìm ra nguyên nhân thất thoát, đồng thời làm rõ mối liên hệ giữa khách hàng và cán bộ ngân hàng thông qua các giao dịch trước đó, sau đó là chuyển hồ sơ cho cơ quan pháp luật để xử lý.

Theo ông Hùng, để kiểm soát những rủi ro này, các ngân hàng cần quan tâm đến công tác đào tạo trình độ nghiệp vụ, giáo dục đạo đức cho các cán bộ nhân viên, định kỳ luân chuyển giao dịch, tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy trình giao dịch của cán bộ. Ngoài ra, các ngân hàng đã và đang áp dụng thông báo biến động số dư tất cả các tài khoản cho khách hàng thông qua tin nhắn SMS./.