Tăng trưởng lợi nhuận vẫn khả quan

Hiện tại, nhiều ngân hàng vẫn chưa công bố chính thức báo cáo tài chính quý II/2022, tuy nhiên, thông tin ban đầu từ Trung tâm Phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research), nhiều ngân hàng được dự báo có kết quả tăng trưởng lợi nhuận khá ấn tượng trong quý II và 6 tháng đầu năm 2022.

Theo SSI Research, các ông lớn ngành ngân hàng đều đạt tăng trưởng khá tốt. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đạt lợi nhuận trước thuế trong quý II/2022 5,5 nghìn tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ), tăng trưởng tín dụng đạt 9-10%. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam kỳ vọng đạt 4,6 - 4,7 nghìn tỷ đồng trong quý II/2022 (tăng 68% so với cùng kỳ); còn Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam được dự báo lợi nhuận trước thuế ở mức 7 - 7,3 nghìn tỷ đồng (tăng 50% so với cùng kỳ)…

Nguồn: SSI Research.
Nguồn: SSI Research.

Không chỉ các ngân hàng quy mô lớn, nhóm các ngân hàng quy mô trung bình cũng ghi nhận những kết quả kinh doanh khá tốt ở một số ngân hàng. Với Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), ACB đã sử dụng phần lớn hạn mức tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 6/2022 (tăng 10% so với đầu năm, đồng thời tăng 16% so với cùng kỳ), điều này cho phép ngân hàng đạt được mức tăng trưởng tổng thu nhập hoạt động ở mức tương đối tốt.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TP. Hồ Chí Minh (HDBank) cũng ghi nhận tăng trưởng tín dụng và huy động ở mức khá cao, nhờ đó có thể đạt được kết quả kinh doanh khả quan trong quý II, ước tính đạt 2,5 - 2,7 nghìn tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) kỳ vọng ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý II/2022 đạt 5,2 - 5,5 nghìn tỷ đồng (tăng 53-64% so với cùng kỳ); Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) có thể đạt lợi nhuận trước thuế là 7-7,2 nghìn tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ)…

Bức tranh chưa hẳn toàn mầu hồng

Kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng ghi nhận tại nhiều ngân hàng lớn cho thấy phần nào giới ngân hàng vẫn giữ được “phong độ” khá tốt. Tuy nhiên, bức tranh kinh doanh nửa phần còn lại của năm 2022 của giới ngân hàng có thể không hoàn toàn sáng màu nếu nhìn vào cục diện hiện tại, cùng những vấn đề mà giới ngân hàng sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.

TS. Châu Đình Linh - Giảng viên Học viện Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho biết, một trong những lý do khiến ngân hàng giữ được lợi nhuận ngay cả khi lãi suất huy động tăng nhờ yếu tố “thu lợi nhuận tuần hoàn”. Cụ thể, các ngân hàng tăng lãi suất huy động, nhưng không nhất thiết phải ký lại hợp đồng tín dụng khác với lãi suất mới để giữ khoảng cách lãi suất đầu vào/đầu ra mà thực chất phần lớn các hợp đồng tín dụng dài hạn thường để lãi suất thả nổi.

Cần đối chiếu tăng trưởng lợi nhuận với tăng trưởng tài sản

Các chuyên gia cũng cho rằng, khi nhìn vào tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng, các nhà đầu tư cũng nên nhìn và so sánh đối chiếu với tăng trưởng tổng tài sản của ngân hàng. Bởi lẽ, có những ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận cao, nhưng ngân hàng cũng tăng tổng tài sản nhanh trong giai đoạn đó thì các chỉ số cơ bản (ROA, ROE…) của ngân hàng thực tế cũng không cải thiện đáng kể.

Với tính chất này, lãi suất huy động cho dù tăng, nhưng cũng không làm suy giảm lợi nhuận ngân hàng ngay cả khi ngân hàng không cần công bố tăng lãi suất cho vay. Tuy nhiên, về mặt dài hạn, lãi suất nếu tiếp tục tăng nữa do ảnh hưởng của lạm phát, thì hệ quả có thể xảy ra là gia tăng nợ xấu nếu khách hàng gặp khó khăn không có khả năng trả nợ.

Một yếu tố đáng quan tâm khác là trong nửa đầu năm 2022, các ngân hàng vẫn tiếp tục thực hiện các chính sách quy định tại các văn bản về hoãn, giãn nợ, phí, cho các khách hàng bị khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (theo các Thông tư 01/2020/TT-NHNN, 03/2021/TT-NHNN, 14/2021/-NHNN). Tuy nhiên, từ ngày 30/6/2022 đã hết thời gian được thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng theo Thông tư 14. Theo đó, sau thời điểm này, nhiều khoản nợ khách hàng gặp khó khăn như trước đây sẽ không được tiếp tục tái cơ cấu, nếu khách hàng vẫn không có khả năng trả nợ sẽ bị chuyển thành nợ xấu. Điều này đương nhiên sẽ xấu bớt đi bức tranh tài chính của các ngân hàng thể hiện trên báo cáo tài chính.

Ngoài ra, ông Châu Đình Linh cũng cho biết, việc một số ngân hàng có thể không còn nhiều “room” trong nửa cuối năm 2022, thì việc tăng trưởng lợi nhuận từ cho vay có thể sẽ bị chậm lại. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến ngày 30/6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,35%, theo đó, các ngân hàng bình quân đã sử dụng hết khoảng 2/3 hạn mức tăng trưởng 14% mà Ngân hàng Nhà nước giao. Đây có thể sẽ là một thế khó cho các ngân hàng trong thời gian tới nếu Ngân hàng Nhà nước không cho nới “room”.