Thời cơ vàng để phục hồi du lịch

Ngày 22/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị “Phát động mở lại hoạt động du lịch: Việt Nam - Trải nghiệm trọn vẹn”. Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, các yếu tố giúp du lịch phục hồi, phát triển gồm: nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến của Việt Nam, từ đó thực hiện mục tiêu đón hơn 5 triệu khách quốc tế năm 2022; tăng chất lượng sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu, đảm bảo nguồn lực, triển khai đa dạng mô hình, kênh bán hàng; tăng cường kết nối hàng không, khôi phục đường bay quốc tế, đẩy mạnh hợp tác giữa các doanh nghiệp; xúc tiến quảng bá và thu hút du khách, tập trung vào thị trường phục hồi nhanh như Anh, Pháp, Đức, Mỹ, các nước Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản... Trên hết, cần đảm bảo an toàn phòng chống Covid-19, thích ứng an toàn, hiệu quả.

Mở cửa du lịch: Vẫn còn nhiều việc phải làm để thu hút du khách
Các địa phương cần liên kết, tung ra nhiều sản phẩm chất lượng để thu hút du khách. Ảnh: TL.

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, việc mở cửa trở lại không chỉ khôi phục nền kinh tế, mà còn khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện. Về quy định khôi phục du lịch năm 2022, ông Khánh khẳng định: "Mở cửa toàn bộ đường hàng không, đường bộ, đường thủy, đường sắt, áp dụng cho du khách nội địa, quốc tế và người Việt ra nước ngoài".

Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Tường Văn - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, đây là thời điểm vàng để mở cửa lại du lịch Việt Nam. Cũng như nhiều địa phương du lịch trọng điểm trên cả nước, tỉnh Quảng Ninh hội tụ đầy đủ điều kiện, tiềm năng, lợi thế, liên kết phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt phát triển du lịch.

Với các giải pháp đồng bộ, chuyển đổi từ nâu sang xanh theo hướng phát triển bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực triển khai, giữ vững địa bàn an toàn, ổn định, phát triển thành công mục tiêu kép trên mọi lĩnh vực. Để đảm bảo mở cửa thành công, Quảng Ninh mong muốn Bộ Ngoại giao và các hãng hàng không tiếp tục hỗ trợ các chính sách kích cầu du lịch.

Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó giám đốc Sở du lịch Đà Nẵng cho biết, đến ngày 27/3, Đà Nẵng chính thức đón chuyến bay quốc tế trở lại đầu tiên từ Singapore và Bangkok. Đây là một tin rất được mong chờ. Bên cạnh đó, nhiều chương trình du lịch, hội chợ nổi bật sẽ được tổ chức trong năm 2022. Qua đó, ông Bình đề xuất, Bộ Ngoại giao sớm đẩy mạnh việc thông hành hộ chiếu vaccine, cũng như có những chính sách mở cửa hợp lý.

Cần tạo liên kết, hợp tác quảng bá du lịch

Về phía doanh nghiệp, bà Phạm Thị Nguyệt - Quyền Trưởng ban Tiếp thị bán sản phẩm của Vietnam Airlines cho rằng, hàng không là cây cầu kết nối du lịch Việt Nam với thế giới. Để phát triển du lịch bền vững, các hãng hàng không cần kết nối nhiều chuyến bay và mở rộng mạng lưới bay, đủ rộng, đủ dài cho nhiều năm. Ngoài ra, cần chủ động, tích cực tham gia liên minh, liên kết để trải nghiệm hàng không của khách hàng được trọn vẹn hơn.

Ở góc độ khác, bà Nguyễn Thị Lê Hương - Phó tổng giám đốc Vietravel cho rằng, các địa phương, các công ty du lịch đã sẵn sàng. Tuy nhiên, để trở lại một cách trọn vẹn như trước đây còn rất nhiều việc chúng ta phải làm.

“Về sản phẩm du lịch, chúng tôi đã trao đổi để làm sao đưa các sản phẩm mới mang tính thiên nhiên, chăm sóc sức khỏe phục vụ du khách. Đặc biệt sau đại dịch, những sản phẩm mang tính sự kiện sẽ giúp cho ngành rất nhiều. Tuy nhiên, nếu chỉ có các địa phương, điểm đến, các hãng lữ hành và hàng không thì tính tổng thể này chưa mạnh mẽ” - bà Hương cho hay.

Do vậy, bà Hương đề xuất, cần một thông điệp truyền thông mang tính tổng thể, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần có một kế hoạch để kết nối các địa phương, các cơ quan du lịch để đưa thông điệp tổng thể với thế giới rằng, Việt Nam chào đón du lịch với sự tham gia của các địa phương càng sớm càng tốt để đón được du lịch mùa thu sắp tới.

Bên cạnh đó, cần có chính sách một cách rõ hơn nữa về việc xử lý tình huống khi khách du lịch đến bị Covid-19. Vấn đề này tuy nhỏ nhưng mỗi người xử lý một kiểu.

Ngoài ra, vấn đề rất quan trọng là chúng ta sẵn sàng nhưng nguồn nhân lực du lịch chưa sẵn sàng. Chúng tôi mong các địa phương hỗ trợ để sớm kết nối nguồn nhân lực, từ đó có thể tạo ra sức mạnh, chất lượng dịch vụ tốt, trọn vẹn nhất.

PGS.TS Trần Đình Thiên - chuyên gia kinh tế khẳng định, đây là thời điểm nắm bắt cơ hội, đồng thời khẳng định vị thế của du lịch, bởi vậy cần có những lộ trình rõ ràng, chủ động hơn để tuyên bố với thế giới, Việt Nam là điểm đến an toàn. Chúng ta cần tận dụng được thời cơ, khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Phải tính đến quan hệ lợi ích và chi phí, phải bỏ chi phí trước để thu về lợi ích sau này.

Ông Thiên cũng cho rằng, ngay ở chính sách miễn thị thực cũng cần phải mở rộng nhiều hơn nữa chứ không chỉ giới hạn ở một số quốc gia, bởi đây chính là cơ hội khẳng định với bạn bè quốc tế rằng, chúng ta mong muốn mở cửa sâu rộng, sẵn sàng chào đón các du khách, đối tác từ nhiều quốc gia trên thế giới đến với Việt Nam./.