Sức mua cũng như nguồn hàng dồi dào

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), ngày mùng 2 và mùng 3 tết, nhu cầu tiêu dùng trên thị trường cả nước, đặc biệt là ở các thành phố lớn dần tăng lên, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, vui chơi, đi lễ đầu năm.

Mùng 4 tết Giáp Thìn 2024: Nguồn hàng dồi dào, không tăng giá đột biến
Nhiều siêu thị mở cửa trở lại từ mùng 2 tết để phục vụ dân sinh. Ảnh minh hoạ
Ngày mùng 3 tết, sức mua cũng như nguồn hàng đã dồi dào hơn. Tại các địa phương đã có thêm nhiều siêu thị, cửa hàng, quầy hàng tại chợ truyền thống mở hàng kinh doanh trở lại, hoạt động mua bán diễn ra tấp nập hơn so với ngày mùng 2 tết. Các mặt hàng được tiêu thụ nhiều vẫn chủ yếu là thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả, thịt bò, thủy hải sản.

Theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước, trong hệ thống siêu thị, nguồn hàng vẫn phong phú, đa dạng, giá bán ổn định so với trước tết.

So với các ngày cận tết (28 - 30 tết), giá các mặt hàng rau củ, hoa tươi tại chợ nhìn chung không tăng nhiều; các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt bò, thuỷ sản chỉ tăng nhẹ (theo quy luật) và tương đối ổn định.

Mặc dù nhu cầu bắt đầu tăng, nhưng nguồn cung tương đối phong phú, nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến. Tại các chợ dân sinh, rau xanh đã được bày bán từ ngày mùng 2 tết. Tại các chợ truyền thống, ngoài các mặt hàng hoa quả phục vụ cho việc dâng lễ đầu năm thì các mặt hàng được bày bán chủ yếu là thực phẩm tươi sống (thủy hải sản, thịt bò, các loại rau củ) phục vụ nhu cầu tiêu dùng đầu năm của người dân.

Chợ truyền thống giá cả tăng nhẹ so với thường ngày

Theo khoả sát của phóng viên TBTCVN, trong ngày mùng 3 và 4 tết tại Hà Nội, tình hình nguồn cung trên thị trường nhìn chung đã tăng lên, đa dạng hơn vì có thêm nhiều siêu thị lớn, cửa hàng, tiểu thương tại chợ truyền thống mở cửa kinh doanh trở lại.

Tại các chợ truyền thống, giá các mặt hàng ổn định so với những ngày giáp tết và tăng nhẹ so với ngày thường.

Mùng 4 tết Giáp Thìn 2024: Nguồn hàng dồi dào, không tăng giá đột biến
Chợ Hôm - Đức Viên, trung tâm quận Hai Bà Trưng, Hà Nội mở cửa trở lại từ mùng 2 tết. Ảnh: Hải Anh

Nhìn chung, thị trường diễn biến theo quy luật thông thường, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, gây bất ổn thị trường.

Theo khảo sát của Vụ Thị trường trong nước, mặt hàng lương thực giá ổn định: Gạo chất lượng cao (tám xoan, tám Hải Hậu) từ 22.000 - 45.000 đ/kg; gạo nếp 27.000 - 37.000 đ/kg.

Tại các siêu thị, giá thực phẩm ổn định. Tại một số chợ lẻ, giá cả tương đương so với ngày cận tết. Giá thịt lợn phổ biến ở mức 120.000 - 150.000 đồng/kg; thịt lợn sấn, nạc vai, thăn dao động ở mức 100.000 - 130.000 đồng/kg; giá gà ta làm sẵn dao động phổ biến từ: 150.000 - 180.000đ/kg; thịt bò thăn dao động từ 280.000 - 300.000đ/kg.

Giá thủy sản vẫn giữ mức tương đương với thị trường ngày 29, 30 tết; giá tôm lột (loại 26-30 con/kg): 300.000 - 400.000đ/kg; cá trắm: 90.000 - 120.000đ/kg... Giá giò lụa phổ biến 150.000 - 180.000 đ/kg.

Mặt hàng công nghệ thực phẩm, đồ uống, nước giải khát (ổn định): Đường bán lẻ ở mức 30.000 - 32.000 đ/kg; dầu ăn: 40.000 - 45.000 đ/lít, tương đương mức giá ngày thường...

Các loại rau củ như xu hào, cà rốt, cà chua, rau gia vị, bắp cải, súp lơ… tăng nhẹ so với ngày cận Tết, tuy nhiên, giá tương đương so với ngày mùng 2 Tết: Bắp cải: 12.000 - 15.000 đ/kg, su hào: 5.000 - 7.000 đ/củ, xà lách: 15.000 - 30.000 đ/kg, cà chua: 14.000 - 20.000 đ/kg (tùy địa phương), khoai tây: 20.000 - 30.000 đ/kg, súp lơ: 15.000 - 17.000 đ/cây...

Hoa, quả các loại: Cam canh 50.000 - 70.000 đ/kg, bưởi diễn 15.000 - 25.000 đ/quả; hoa cúc 5.000 - 7.000 đ/cành, hoa hồng loại có cành lộc 10.000 - 12.000 đ/cành, hoa ly và hoa thược dược 25.000 - 35.000/cành…

Trong ngày mùng 3 và mùng 4, bên cạnh việc du xuân, đi chơi tết, nhiều gia đình làm lễ hóa vàng nên nhu cầu các mặt hàng thực phẩm tươi sống, trái cây và hoa tươi bắt đầu tăng.

Nguồn cung các mặt hàng thực phẩm đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Giá cả hàng hóa tại hệ thống siêu thị ổn định, không tăng so với thời điểm trước tết.