Đất nền được dự báo dẫn dắt thị trường bất động sản năm 2022 Bất động sản vẫn là thị trường hút vốn đầu tư năm 2022

Thị trường đất nền vùng ven còn dư địa phát triển

Theo khảo sát của phóng viên, tại Hà Nội, giá đất nền nhiều khu vực vùng ven ngoại thành như huyện Hoài Đức, Đông Anh, Mê Linh… tăng 10 - 20% so với đầu năm 2021. Trong đó, ăn theo đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, giá đất huyện Đông Anh như ở xã Xuân Canh, Uy Nỗ, Đông Hội, Vĩnh Ngọc thiết lập mặt bằng giá từ 40 - 150 triệu đồng/m2.

Năm 2022: Thị trường đất nền vùng ven Hà Nội tăng trưởng mạnh
Giá đất mặt đường tại xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh tăng đến 30% so với năm 2021. Ảnh: Văn Nam.

Ông Nguyễn Văn Tứ, một môi giới bất động sản ở huyện Đông Anh cho biết, giá đất nền rao bán so với đầu năm 2021 đã tăng khoảng 10 - 20% với các vị trí nằm trong ngõ, còn nơi mặt đường lớn ô tô đi lại, giá tăng đến 30% so với năm 2021. Tuy nhiên, theo ông Tứ, giá bất động sản tăng, nhưng lượng giao dịch thực tế không nhiều.

Còn tại huyện Mê Linh, toàn huyện có khoảng 50 dự án tập trung tại các xã ven đại lộ Võ Văn Kiệt như xã: Tiền Phong, Tráng Việt, Thanh Lâm, Đại Thịnh, thị trấn Quang Minh. Sau khi được phê duyệt quy hoạch chung, các chủ đầu tư như Tổng công ty HUD, Minh Giang, Cienco 5 đã đồng loạt triển khai làm hạ tầng, xây dựng nhiều dự án chung cư khiến thị trường bất động sản Mê Linh khởi sắc trở lại, giá đất nền tại đây cũng tăng 10 - 20% so với cùng kỳ năm 2021.

Cùng với đó, tại các tỉnh vùng ven Hà Nội như Hòa Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên, giá đất cũng leo thang không ngừng. Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, chỉ riêng Hòa Bình, một năm trở lại đây, giá đất tại huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc đã tăng tới 3 lần. Các khu vực lân cận cũng ghi nhận tình trạng gia tăng đáng kể.

Tính trong phạm vi cách Hà Nội 50 km, giá rao bán đất nền miền Bắc đều ghi nhận tăng mạnh như Bắc Ninh tăng 61%, Hưng Yên tăng 22%. Trong phạm vi cách Hà Nội 100 km, giá rao bán đất Hòa Bình tăng 106%.

Ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho hay, hiện tại, các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, quỹ đất tại khu vực nội đô để phục vụ cho các dự án phát triển nhà ở đang ở trạng thái suy kiệt. Trong khi các dự án đất đấu giá đều được “chốt” ở mức cao gấp 2 - 3 lần giá khởi điểm. Động thái này khiến thị trường đất nền tăng trưởng nhanh. Cùng với đó, dòng vốn đầu tư đã chuyển dịch từ khu vực nội đô sang các khu vùng ven các thành phố lớn.

Cơn sốt của thị trường bất động sản thời gian qua là có thật, nhưng chỉ mang tính cục bộ, còn về cơ bản, thị trường đất nền vẫn đang có dư địa phát triển rất tốt, nhất là với những khu vực có sự phát triển mạnh của hạ tầng.

Chính vì vậy, từ nay đến hết quý II/2022, nhu cầu mua đất nền làm tài sản vẫn được ưa chuộng và tiếp tục là phân khúc được lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư, nhất là khi nguồn cung trên thị trường sụt giảm mạnh bởi dịch bệnh và chính sách chưa được tháo gỡ triệt để.

Khó xuất hiện tình trạng sốt đất

Nhiều chuyên gia nhận định, chính sách pháp luật về đất đai ngày càng chặt chẽ đã tác động rất lớn đến nguồn cung của thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, quỹ đất tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội ngày một hạn hẹp, trong khi nhu cầu đầu tư đất nền và nhà ở gắn liền với đất của người dân ngày càng tăng mạnh khiến cho giá nhà đất tăng cao.

Ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, động thái của nhà đầu tư vẫn rất tốt mặc dù đã trải qua các biến cố về dịch bệnh. Trong đó, một lớp nhà đầu tư đang có động thái rút bớt vốn trong giao dịch chứng khoán để phân bổ vào các sản phẩm bất động sản có tính thanh khoản cao. Nhiều chủ đầu tư cũng rục rịch "tung chiêu" để tái kích hoạt thị trường sau giai đoạn im ắng do tác động của dịch bệnh Covid-19. Đây được đánh giá là lực đẩy tốt cho thị trường trong năm 2022.

Hiện tượng tăng giá đất, về bản chất sẽ dẫn tới việc thị trường cần thời gian nhất định để cân bằng lại giữa cung và cầu thật, có thể xác lập một nền giá mới, làm nên dư địa phát triển cho các địa phương. Tại những thị trường đã phát sinh giao dịch với giá tăng cao, việc điều chỉnh lại về mức giá cân bằng sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Còn theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế, hiện nay thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền ở các tỉnh đang được đẩy mạnh quy hoạch phát triển sẽ tiếp tục nhận được nhiều quan tâm của nhà đầu tư trong năm 2022, nhưng rất khó xuất hiện tình trạng sốt đất.

Nhà đầu tư trải qua nhiều cơn sốt đất đã có nhận thức tốt hơn về những rủi ro khi lướt sóng thất bại. Đồng thời, thông tin về nhà đất hiện nay đang ngày càng công khai, minh bạch hơn, khó lợi dụng quy hoạch tạo giá ảo như trước đây. Trong năm 2022, thị trường có thể vẫn xuất hiện một số đợt điều chỉnh giá nhà đất nhưng không mạnh và không đột biến như các năm trước./.

Dự kiến quy hoạch 5 huyện ngoại thành Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm và Đan Phượng thành các quận nội thành vào năm 2025 đã tạo tiền đề để các huyện này phát triển khu dân cư trọng điểm nhờ quỹ đất lớn. Theo dự báo từ Savills Việt Nam, từ năm 2023 trở đi, các quận này sẽ chiếm 36% nguồn cung.

Xu hướng chuyển dịch trong thị trường cũng được thúc đẩy bởi sự phát triển về cơ sở hạ tầng. Tuyến đường vành đai 3, số 3,5 và đường sắt đô thị số 3 là động lực thúc đẩy sự bùng nổ của khu vực phía Tây. Kế hoạch vận hành các tuyến metro và xây dựng đường vành đai 2,5 ở phía Nam và số 4 ở phía Đông Bắc Hà Nội sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông. Sự thuận tiện trong việc di chuyển giữa khu vực vùng ven và nội đô thành phố sẽ là yếu tố thu hút nhà đầu tư và người mua để ở vào những dự án ở xa trung tâm.