Kinh tế Thủ đô tăng trưởng khá trong bối cảnh còn nhiều khó khăn
Năm 2023, kinh tế Thủ đô tăng trưởng khá trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.

Ước năm 2023, GRDP tăng 6,11%

Tại Hội nghị lần thứ 14 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVII diễn ra chiều 23/11, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, kinh tế - xã hội năm 2023 cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát, 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, có 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch, giảm số hộ nghèo; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý; số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm.

Theo ước tính của UBND TP. Hà Nội, GRDP tăng trưởng khá trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn. Ước năm 2023, GRDP tăng 6,11%; đầu tư xã hội tăng 9%, vốn đầu tư nước ngoài gần 2,9 tỷ USD, tăng 62,0%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trên 10%; có gần 26.500 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 6%.

Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVII tiến hành Hội nghị lần thứ 14 xem xét, cho ý kiến về 8 nội dung quan trọng, trong đó có Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, các chương trình, kế hoạch năm 2024 và dự thảo Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Thu ngân ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt dự toán, đảm bảo cân đối chi ngân sách; tổng thu dự kiến hơn 400 nghìn tỷ đồng, đạt 113,5% dự toán, tăng 20,0% so với năm 2022; tổng chi dự kiến hơn 102 nghìn tỷ đồng, đạt 97,2% dự toán đầu năm (91,1% dự toán điều chỉnh). Kim ngạch xuất khẩu ước 17,3 tỷ USD, tăng 1,0%; kim ngạch nhập khẩu ước 44,2 tỷ USD, tăng 8,0%...

Công tác quy hoạch và quản lý đô thị được đẩy nhanh tiến độ, nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt. Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã xây dựng dự thảo, đang xin ý kiến hoàn thiện. Xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị được quan tâm đầu tư như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch; khởi công đường Vành đai 4.

Văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục, y tế và tu bổ, tôn tạo di tích dự kiến hết năm 2023 hoàn thành 1.005 công trình; các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội phục hồi mạnh.

Kinh tế Thủ đô tăng trưởng khá trong bối cảnh còn nhiều khó khăn
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải trình bày báo cáo tại hội nghị.

Đặt mục tiêu GRDP năm 2024 tăng khoảng 6,5-7,0%

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, còn một số tồn tại, hạn chế như có 4/23 chỉ tiêu không đạt kế hoạch; vẫn còn nhiều nhiệm vụ chậm tiến độ; các chỉ số PCI giảm 10 bậc, PAPI giảm 3 bậc so với năm trước; tình trạng cháy nổ trên địa bàn thành phố còn nhiều nguy cơ, đã xảy ra một số vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của.

Vì vậy, Hà Nội đặt ra nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với mục tiêu tổng quát: Thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; hạ tầng số và công nghệ số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng thành phố thông minh.

Hội nghị lần thứ 14 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVII tiếp tục thảo luận tại tổ trong phiên họp sáng 24/11. Phiên bế mạc hội nghị sẽ diễn ra trong ngày 24/11.

Về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, thành phố dự kiến xác định 24 chỉ tiêu, trong đó GRDP tăng khoảng 6,5-7,0%; CPI dưới 4%; GRDP/người khoảng 160-162 triệu đồng; vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5-11,5%; giảm 300-400 số hộ nghèo; dự kiến số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 408.547 tỷ đồng, cao hơn dự toán Thủ tướng Chính phủ giao 17 tỷ đồng, tăng 2% so với ước thực hiện năm 2023.

Từ đó, Hà Nội đặt ra 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2024: Bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong mỗi nội ngành gắn với ứng dụng khoa học công nghệ.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; xây dựng chính quyền địa phương tinh gọn và hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; nâng cao thứ hạng các chỉ số PAPI, PCI, PARIndex, SIPAS...

Hoàn thành Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện Luật Thủ đô sửa đổi và triển khai thực hiện sau khi được duyệt./.