Yêu cầu bắt buộc theo lộ trình

Việc phải giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là yêu cầu bắt buộc được Ngân hàng Nhà nước đặt ra nhằm tăng độ an toàn tài chính đối với hệ thống ngân hàng. Trước đây, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn được khống chế ở mức 40%, nhưng đã chính thức giảm xuống chỉ còn 37% từ tháng 10/2021, theo quy định đặt ra tại Thông tư 08/2020/TT-NHNN ngày 14/8/2020.

Ngân hàng chịu sức ép “chùn tay” cho vay dài hạn

Lộ trình của Thông tư 08 đặt ra yêu cầu các ngân hàng không chỉ dừng lại tỷ lệ như trên, mà các ngân hàng cũng chỉ có 1 năm để thực hiện mức 37% cho vay trung và dài hạn và đến tháng 10/2022, tỷ lệ này sẽ tiếp tục phải được giảm xuống 34%. Tỷ lệ 34% sẽ tiếp tục được duy trì trong 1 năm và sẽ phải tiếp tục giảm xuống một tỷ lệ thấp hơn là 30% từ tháng 10/2023.

Thông tư 08 được ban hành từ cách đây hơn 1 năm và đã có những điều chỉnh mang tính nới lỏng về lộ trình cho các ngân hàng so với văn bản trước đó là Thông tư 22/2019/TT-NHNN. Tại Thông tư 22, các ngân hàng lẽ ra phải có sự điều chỉnh theo lộ trình sớm hơn với 40% cho giai đoạn từ đầu năm 2020 đến hết tháng 9/2020, giảm xuống 37% từ tháng 10/2020 đến hết tháng 9/2021, giảm tiếp xuống 34% từ tháng 10/2021 và xuống 30% từ tháng 10/2022.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN mới đây, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho biết, việc giảm bớt 3% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là một con số rất đáng kể. Theo đó, sự thay đổi này đương nhiên sẽ tạo sức ép nhiều mặt lên các ngân hàng.

Dự đoán về những tác động

Theo đánh giá của giới chuyên môn, sự tác động của việc thực hiện quy định trong Thông tư 08 có thể ảnh hưởng cả đến các hoạt động đầu vào lẫn đầu ra. Ở góc độ đầu ra, ngân hàng có thể đối diện với sự thiếu hụt vốn cho vay trung và dài hạn nên dư nợ cho vay có thể sẽ bị tăng chậm lại do ngân hàng sẽ phải kiểm soát chặt chẽ hơn dòng tín dụng, thậm chí phải giảm bớt một số khoản cho vay trung và dài hạn. Tuy nhiên, ảnh hưởng của tăng trưởng tín dụng nếu tăng chậm lại có thể cũng không lớn đến mức tăng trưởng bình quân chung năm nay. Bởi lẽ, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế 9 tháng năm 2021 đã đạt tốc độ khá với 7,17% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,99%).

Lãi suất có thể tăng, nhưng không đáng lo

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, tác động của việc giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn có thể làm tác động tăng lãi suất (do sức ép gia tăng huy động vốn từ các ngân hàng đáp ứng nhu cầu vay). Điều này về hình thức có thể đi ngược với mong muốn điều hành chung là giảm lãi suất xuống thấp, nhưng nhìn tổng thể thì động thái này cũng không quá đáng lo ngại. Bởi lẽ, các ngân hàng dù cần vốn cũng sẽ không thể đẩy lãi suất huy động lên quá cao (trong khi lãi suất cho vay đầu ra khó đẩy lên cao) do các ngân hàng sẽ phải tự cân đối lợi nhuận.

Tuy có những “hiệu ứng phụ” nhất định, nhưng giới chuyên môn cho rằng, việc yêu cầu đưa tỷ lệ cho vay trung và dài hạn xuống thấp vẫn là việc nên làm, bởi về mặt dài hạn, tỷ lệ này thấp sẽ đảm bảo độ an toàn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên ở góc độ sức cầu vốn từ thị trường, nhu cầu vay vốn trung và dài hạn của nền kinh tế vẫn có, nên để đáp ứng được việc này, ngân hàng có thể sẽ phải đẩy mạnh huy động vốn trong thời gian tới. Ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết, bối cảnh trên có thể dẫn đến tác động làm gia tăng lãi suất.

Về phía các ngân hàng, giải pháp vốn có thể có nhiều phương án. Một trong những phương án mà hầu hết các ngân hàng đã sử dụng triệt để là không chia cổ tức bằng tiền để giữ lại vốn chủ sở hữu. Thời gian qua, các ngân hàng có một giai đoạn thuận lợi để tối ưu phương án này nhờ kết quả lợi nhuận năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 của ngành ngân hàng đạt khá cao. Tuy nhiên, dự báo lợi nhuận nửa cuối năm 2021 có thể sẽ không cao do nhiều yếu tố tác động (giảm lãi suất đầu ra, tuân thủ các quy định mới về trích lập dự phòng rủi ro tín dụng…).

Một giải pháp nữa, theo ông Cấn Văn Lực, Kinh tế gia trưởng Ngân hàng BIDV, là đẩy mạnh phát hành trái phiếu tăng vốn cấp II. Đây có thể cũng là một xu hướng hợp lý cho các ngân hàng trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

Nhìn lại động thái phát hành của các ngân hàng thời gian gần đây cũng có thể thấy giới ngân hàng cũng đang có xu hướng tăng tốc phát hành trái phiếu. Theo dữ liệu tổng hợp của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 9/2021 (tính đến ngày 24/9), có tổng cộng 26 đợt phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp trong nước. Tổng giá trị phát hành là 17.899 tỷ đồng, trong đó riêng tổng giá trị phát hành trái phiếu của các ngân hàng ghi nhận mức 10.095 tỷ đồng. Tỷ trọng phát hành trái phiếu của các ngân hàng đạt 56,4% tổng giá trị phát hành, vượt khá xa nhóm đứng thứ hai là các doanh nghiệp bất động sản với giá trị phát hành 5.574 tỷ đồng, chiếm 31,1%.