Gửi kiến nghị đến Bộ Tài chính, cử tri tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay các dự án đang thực hiện trên địa bàn huyện chủ yếu là dự án có quy mô nhỏ. Kinh phí 2% được trích trên số tiền trả cho đền bù để giải phóng mặt bằng nên kinh phí này không đủ để thuê đơn vị tư vấn thực hiện nhiệm vụ trích đo. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc thanh toán, thuê tư vấn trích đo cho dự án và nhiệm vụ thực hiện giải phóng mặt bằng của Hội đồng gặp nhiều khó khăn về kinh phí.

Ngân sách địa phương bố trí kinh phí lập chỉnh lý bản đồ địa chính
Ảnh minh họa.

Do đó, cử tri tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể về nguồn kinh phí để thuê đơn vị tư vấn thực hiện việc trích đo dự án (không nằm trong kinh phí 2%) tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 61/2022/TT-BTC ngày 5/10/2022 của Bộ Tài chính về hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Trả lời vấn đề cử tri quan tâm, Bộ Tài chính cho biết, quy định tại Điểm d, Khoản 2 Điều 1 và Điểm b, Khoản 1, Điều 4 Thông tư số 61/2022/TT-BTC ngày 05/10/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Khoản 2, Điều 1, Thông tư số 61/2022/TT-BTC quy định: Các khoản kinh phí sau đây được điều chỉnh tại các pháp luật khác có liên quan; không thuộc kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

Kinh phí lập, chỉnh lý bản đồ địa chính ở địa phương được bố trí từ ngân sách địa phương theo quy định tại Thông tư số 136/2017/TT-BTC ngày 22/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định lập, quản lý, sử dụng kinh phí chi hoạt động kinh tế đối với các nhiệm vụ chi về tài nguyên môi trường...

Khoản 1, Điều 4, Thông tư số 61/2022/TT-BTC Điều 4, nội dung chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quy định: Chi điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Đất đai năm 2013 gồm: Phát tờ khai, hướng dẫn người bị thiệt hại kê khai; trích đo địa chính thửa đất đối với thửa đất tại nơi chưa có bản đồ địa chính phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, chi đo đạc xác định diện tích thực tế các thửa đất nằm trong ranh giới khu đất thu hồi để thực hiện dự án (nếu có) của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm căn cứ thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp phải đo đạc lại.

Chi kiểm kê số lượng nhà, công trình, cây trồng, vật nuôi và tài sản khác bị thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; kiểm tra, đối chiếu giữa tờ khai với kết quả kiểm kê, xác định mức độ thiệt hại với từng đối tượng bị thu hồi đất cụ thể; tính toán giá trị thiệt hại về đất đai, nhà, công trình, cây trồng, vật nuôi và tài sản khác.

Như vậy, Thông tư số 61/2022/TT-BTC ngày 5/10/2022 của Bộ Tài chính đã quy định cụ thể về nguồn kinh phí lập chỉnh lý bản đồ địa chính ở địa phương được bố trí từ ngân sách địa phương. Do đó, địa phương thực hiện theo quy định./.