Cục Hải quan Thanh Hóa tổ chức đối thoại hải quan - doanh nghiệp Tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý EU đánh giá cao nỗ lực của Hải quan Việt Nam trong thúc đẩy thương mại giữa hai bên

Tại Diễn đàn Thuế - Hải quan 2021 do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức ngày 15/12, các diễn giả đến từ Tổng cục Hải quan đã có những chia sẻ cởi mở liên quan đến những khó khăn của lực lượng này trong đại dịch. Đồng thời khẳng định quan điểm hỗ trợ, đồng hành tối đa với doanh nghiệp.

Bà Lê Như Quỳnh – Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan: Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngành Hải quan luôn quan tâm đến sự đánh giá, cảm nhận của doanh nghiệp

Chúng tôi hiểu rằng, đối với doanh nghiệp, tiền bạc là quan trọng, còn thời gian không chỉ quan trọng mà còn là vàng, là kim cương, thậm chí quý giá hơn thế.

Trong quá trình triển khai các chính sách, ngành Hải quan luôn quan tâm đến sự đánh giá, cảm nhận của doanh nghiệp đối với công tác hiện đại hóa của ngành.

Ngành Hải quan là một trong những cơ quan đi đầu về cải cách hiện đại hóa. Trong quá trình này, chúng tôi đã thiết lập các chỉ số đánh giá kết quả đạt được.

Vừa qua, có 2 chỉ số quan trọng là thời gian giải phóng hàng và sự hài lòng của khách hàng với cơ quan hải quan luôn được ngành Hải quan quan tâm đánh giá.

Thời gian giải phóng hàng thì được cơ quan hải quan thực hiện đánh giá nội bộ. Chỉ số đánh giá, khảo sát sự hài lòng được công bố định kì.

Dịch Covid-19 đã diễn ra 2 năm. Trong 2 năm đó, cơ quan hải quan vừa nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ chính trị lâu dài của mình nhưng cũng không quên chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp trong đại dịch.

Chúng tôi rất quán triệt thông điệp mà Thủ tướng Chính phủ đã nêu ở nhiều cuộc đối thoại với doanh nghiệp, đó là “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ” và từ đó triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ.

Có thể kể đến như cùng với xây dựng chế độ, chính sách, hoàn thiện pháp luật liên quan đến lĩnh vực hải quan thực hiện nhiệm vụ thường xuyên thì cơ quan hải quan còn kiến nghị để hoàn thiện các chính sách pháp luật về thuế.

Với vai trò phối hợp, Tổng cục Hải quan đã tham gia cùng các đơn vị liên quan cơ bản đồng bộ và hoàn hiện hệ thống các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý thuế. Đây là những văn bản cơ bản tác động lâu dài.

Liên quan đến quyền lợi của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp, trong đó có chính sách đồng hành với các nhà tài trợ cho phòng, chống dịch để họ không phải đóng thuế, yên tâm tài trợ, viện trợ cho công tác này.

Ngược lại, chúng tôi cũng sẽ có biện pháp kiểm soát để ngăn chặn các tổ chức, cá nhân lợi dụng để gian lận hoặc thực hiện các hoạt động pháp luật không cho phép.

Đó là về chính sách, về thực hiện, chúng tôi triển khai khá nhiều giải pháp đồng bộ về thủ tục. Trong đó có cả việc tổ chức bộ máy thường trực thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng hàng nhanh.

Ở những địa phương có dịch, cán bộ hải quan phải thực hiện “3 tại chỗ” vừa bảo vệ an toàn cho anh em vừa thực thi công việc. Có những đơn vị phải cử cán bộ tham gia lực lượng chống dịch ở địa phương.

Những nội dung tôi vừa chia sẻ để nhấn thêm bức tranh sự đồng hành của cơ quan hải quan với doanh nghiệp.

Tới đây, một số văn bản mới cũng sắp sửa có hiệu lực thi hành, đề nghị các doanh nghiệp nghiên cứu kỹ để thực hiện.

Ngành Hải quan cũng mong muốn doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phản biện chính sách, thậm chí hiến kế trong hoàn thiện chính sách pháp luật.

Chính sách tốt thì phải được góp ý ngay từ quá trình dự thảo. Doanh nghiệp đồng hành cùng cơ quan hải quan trong quá trình này không những phục vụ nhu cầu của chính mình, mà còn hỗ trợ cơ quan quản lý xây dựng được những văn bản có chất lượng, hiệu quả và có tính ổn định.

Ông Nguyễn Bắc Hải – Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan: Đảm bảo thông quan hàng hóa nhanh chóng, không để chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy trong điều kiện phòng, chống dịch nghiêm ngặt​​​​
Ngành Hải quan luôn quan tâm đến sự đánh giá, cảm nhận của doanh nghiệp

Lực lượng hải quan có đặc thù là thường xuyên tiếp xúc với hàng hóa, phương tiện, người xuất nhập cảnh từ nước ngoài. Vậy nên chúng tôi là lực lượng có nguy cơ cao trong lây nhiễm.

Để hạn chế dịch bệnh, ngay từ đầu, chúng tôi đã quán triệt chủ trương cũng như hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Điều khó khăn đầu tiên chúng tôi phải khắc phục là phải đảm bảo thông quan hàng hóa nhanh chóng, không để chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy trong điều kiện phòng, chống dịch nghiêm ngặt.

Nhiều cơ quan hải quan phải thực hiện “3 tại chỗ”, không chỉ trong Nam mà một số địa phương phía Bắc, có nhiều khu công nghiệp như Bắc Ninh, Bắc Giang,… Anh em có khi nhà ở Hà Nội nhưng 3-4 tháng không được về nhà để đảm bảo phòng, chống dịch.

Ngoài ra, thủ tục hải quan phụ thuộc vào nhiều quy định của các bộ, ngành liên quan. Ví dụ như một số hàng hóa nhập khẩu phải có giấy phép và phải nộp bản chính. Trong bối cảnh dịch bệnh thì Tổng cục Hải quan cũng linh động, cho phép doanh nghiệp được nợ bản chính và sử dụng bản scan. Trên cơ sở bản scan đó chúng tôi thông quan hàng hóa.

Những mặt hàng như thuốc, thiết bị y tế, vắc - xin,…thường phải có giấy phép theo quy định. Tuy nhiên, thời gian qua chúng tôi cũng có những giải pháp thực hiện khẩn cấp, căn cứ cam kết của các đơn vị nhập khẩu để giải quyết cho phép đưa hàng về bảo quản trong thời gian chờ xin giấy phép.

Có nhiều lô hàng vắc-xin về, anh em hải quan trực đến 11-12 giờ đêm là chuyện bình thường, nhất là các lô vắc-xin viện trợ do các đoàn ngoại giao Chính phủ đưa về thì lực lượng hải quan phải trực, làm sao đảm bảo an toàn cho vắc-xin.

Việc căng mình vừa phòng, chống dịch, vừa thực hiện nhiệm vụ là những khó khăn của ngành Hải quan thời gian qua.