Bộ Tài chính hiện còn 877 thủ tục hành chính

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022 đã nêu rõ mục tiêu là phải tạo ra bước đột phá trong cải cách hành chính (CCHC), nhất là thủ tục hành chính (TTHC) liên quan tới người dân và doanh nghiệp, để khơi dậy và huy động mọi nguồn lực phát triển đất nước, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, người đứng đầu Chính phủ kiên quyết quan điểm là đầu tư cho CCHC là đầu tư cho sự phát triển, do đó phải tập trung, không dàn trải, làm việc nào dứt việc đó. Phương châm là "đã nói phải làm", thực chất, không hình thức; lấy hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các cơ quan làm thước đo cải cách.

Bộ Tài chính là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có nhiều lĩnh vực liên quan mật thiết đến người dân và doanh nghiệp, do đó để nhận được sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là không hề dễ dàng. Mọi sự phấn đấu trong CCHC đều phải kiên trì thực hiện qua từng tháng, từng năm với các dấu mốc, con số cụ thể.

Ngành Tài chính: Cải cách toàn diện hơn nhờ chuyển đổi số
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Thế Dương

Triển khai Quyết định số 42/QĐ-BCĐCCHC của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Bộ Tài chính đã sớm ban hành kế hoạch hành động. Theo đó, kế hoạch đã đề ra 32 nhiệm vụ, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm của CCHC năm 2022, như: tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; tăng cường tuyên truyền CCHC, qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tính từ 15/12/2021 đến 14/6/2022, Bộ Tài chính đã ban hành 4 quyết định công bố bãi bỏ 22 TTHC; sửa đổi, bổ sung, thay thế 45 TTHC; công bố mới 3 TTHC thuộc lĩnh vực quản lý. Theo đó, tính đến 7/6/2022, tổng số TTHC còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 877 TTHC. Trên cơ sở quyết định công bố TTHC, Bộ Tài chính đã công khai, cập nhật đầy đủ và kịp thời lên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và trụ sở cơ quan tiếp nhận, thực hiện TTHC theo đúng quy định.

Bộ Tài chính cũng sớm có kế hoạch rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC năm 2022 từ cuối năm 2021, từ đó, triển khai kế hoạch bám sát mục tiêu, yêu cầu về cải cách TTHC, tại các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính cũng đã tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ các TTHC thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý, nhằm mục tiêu cải cách TTHC một cách toàn diện, hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Những chuyển biến tích cực từ cơ quan thuế, hải quan

Các kết quả đạt được thời gian qua của Bộ Tài chính đã được các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, thông qua việc đánh giá các chỉ số. Kết quả chấm điểm Chỉ số CCHC năm 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ do Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ công bố ngày 25/5/2022, Bộ Tài chính tiếp tục xếp vị trí thứ 2/17 bộ, cơ quan ngang bộ, đạt 91,90/100 điểm. Đây là năm thứ 8 liên tục (từ năm 2014 - 2021), Bộ Tài chính nằm trong top 3 bộ đứng đầu về xếp hạng Chỉ số CCHC. Trong 8 năm qua, chỉ có 1 năm duy nhất Bộ Tài chính đứng hạng 3, còn lại các năm đều ở vị trí thứ 2.

Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Người dân và doanh nghiệp hết sức quan tâm đến việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh. Với mục tiêu này, đến nay tổng số điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính còn hiệu lực là 295 điều kiện thuộc 20 ngành, nghề kinh doanh theo quy định tại Phụ lục IV Luật Đầu tư. Triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, Bộ Tài chính dự kiến đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 195/1.256 quy định, đạt 15,5% theo yêu cầu.

Về chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC 2021 (APCI 2021), vào cuối tháng 5/2022, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ đã công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC năm 2021, trong đó: Nhóm TTHC Thuế đạt 92,4 điểm, là nhóm TTHC có điểm APCI cao nhất trong 9 nhóm TTHC được khảo sát năm 2021. Những nỗ lực của ngành Thuế trong công cuộc cải cách TTHC theo hướng hiện đại hoá, đơn giản hóa thủ tục giúp nhóm TTHC Thuế luôn dẫn đầu trong số các nhóm TTHC được khảo sát APCI. Trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, ngành Thuế vẫn duy trì bền bỉ những nỗ lực này và cả những hỗ trợ tích cực đối với doanh nghiệp và người dân. Những nỗ lực tiếp tục cải cách của ngành Thuế như áp dụng rộng rãi hóa đơn điện tử, nâng cấp hệ thống khai và nộp thuế trực tuyến, tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp với các cơ quan, bộ ngành liên quan được cá nhân, tổ chức người nộp thuế đánh giá cao.

Nhóm TTHC giao dịch thương mại qua biên giới có điểm số APCI 2021 là 77,8 điểm, tăng 7,4 điểm so với APCI 2020 và tăng 2,2 điểm so với kỳ khảo sát đầu tiên. Sử dụng dịch vụ hải quan chuyên nghiệp ngày càng tăng, có thể giúp tiết kiệm chi phí tuân thủ đối với các doanh nghiệp không có nguồn lực và kinh nghiệm về việc thực thiện các thủ tục hải quan. Trong nỗ lực chung của toàn ngành Hải quan, các chỉ số cho thấy sự biến chuyển tích cực đến từ các cơ quan hải quan lớn hơn so với các cơ quan liên quan khác như cơ quan về kiểm tra chuyên ngành, hay các đơn vị quản lý và kinh doanh cảng. Hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM) nếu được áp dụng rộng rãi có thể tạo ra sự đột phá trong cải cách các thủ tục giao dịch thương mại qua biên giới…

Những kết quả trên là nhờ công tác CCHC của Bộ Tài chính ngày càng được quan tâm và đi vào nề nếp, chất lượng và hiệu quả công việc ngày một rõ nét hơn, góp phần vào thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.

* Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):

Mức độ hài lòng của doanh nghiệp cải thiện qua từng năm

Ngành Tài chính: Cải cách toàn diện hơn nhờ chuyển đổi số
Ông Đậu Anh Tuấn

VCCI luôn tham gia và đồng hành với ngành Tài chính, cơ quan thuế, hải quan, đặc biệt là cơ quan thuế thời gian qua đã có những dấu ấn cải cách đậm nét. Ngành Tài chính là một trong những bộ, ngành có mức độ ứng dụng công nghệ thông tin sớm, mạnh mẽ, bền bỉ và hiệu quả. Minh chứng là mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với cơ quan thuế đã được cải thiện qua từng năm. Nếu như năm 2019 mức độ hài lòng của doanh nghiệp với thủ tục thuế là 78%, thì đến nay qua khảo sát đã có đến hơn 80% doanh nghiệp hài lòng và đánh giá mức độ dễ tiếp cận đối với chính sách thuế.

Riêng về gói hỗ trợ sau dịch Covid-19, qua khảo sát 63 tỉnh, thành phố đón nhận chính sách hỗ trợ của Nhà nước, kết quả chúng tôi nhận được là: Nhóm chính sách thuế là nhóm được đánh giá cao nhất. Chương trình hỗ trợ phục hồi, chính sách được ban hành đầu tiên là Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ về giảm thuế giá trị gia tăng, là dấu ấn thể hiện sự kịp thời, nhanh chóng của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng.

* Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội:

Đánh giá cao sự đồng hành của cơ quan thuế

Ngành Tài chính: Cải cách toàn diện hơn nhờ chuyển đổi số
Ông Mạc Quốc Anh

Thời gian qua, ngành Tài chính và đặc biệt là cơ quan thuế đã chủ động nắm bắt, theo dõi chặt chẽ tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp, người nộp thuế, từ đó có phân định cụ thể, chi tiết để có chính sách hỗ trợ kịp thời.

Cơ quan thuế đã tập trung hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người nộp thuế, đặc biệt đưa ra các giải pháp linh hoạt, thông minh, cũng như tham mưu đến cơ quan có thẩm quyền để ban hành các chính sách thuế đúng và trúng, đặc biệt về các chính sách liên quan đến việc hoãn, giảm, miễn thuế, phí cho cộng đồng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành Thuế tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính thuế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.

Thời gian tới, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp, do đó, bên cạnh sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp, rất cần sự giúp đỡ, tháo gỡ kịp thời của cơ quan thuế trong quá trình thực thi nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp.

* TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam:

Bộ Tài chính là đơn vị có tốc độ cải cách hành chính nhanh

Ngành Tài chính: Cải cách toàn diện hơn nhờ chuyển đổi số
TS. Lê Duy Bình

Cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận Bộ Tài chính là đơn vị có tốc độ CCHC nhanh, khối lượng dịch vụ được cải cách lớn, góp phần giảm chi phí, TTHC cho các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.

Bộ Tài chính cũng đã sáng tạo, có nhiều cách làm hay nhằm giảm các bước trong cải cách TTHC như một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định và một thông tư sửa nhiều thông tư. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng là một trong những đơn vị đi đầu về thực hiện chính phủ điện tử, minh chứng là việc đăng ký, khai thuế qua mạng đã đạt gần 100%. Qua khảo sát, số doanh nghiệp hài lòng thủ tục thuế cũng rất cao và được cải thiện qua từng năm. Có thể nói, những cải cách của ngành Tài chính đã có tác động rất sâu sắc đến hoạt động của các doanh nghiệp. Từ các kết quả này, người dân và doanh nghiệp kỳ vọng thời gian tới, cải cách TTHC thuế, hải quan đi vào chiều sâu, thiết thực hơn nữa.