Thu ngân sách ước vượt từ 4 - 5% dự toán

Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt hoạt động của nền kinh tế - xã hội, tạo sức ép rất lớn đến cân đối thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN). Trong vòng 5 tháng (từ tháng 5 - 9/2021), tình hình thu NSNN bị sụt giảm nghiêm trọng do kinh tế tăng trưởng âm, nhiều doanh nghiệp đóng cửa không có nguồn thu về ngân sách; trong khi đó phải thực hiện các chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất… 23 địa phương trọng điểm thu (chiếm khoảng 70% số thu cả nước) đều là các địa phương phải thực hiện giãn cách. Đáng lo nhất là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đều thực hiện giãn cách dài ngày. TP. Hồ Chí Minh có thời điểm chỉ thu khoảng 10 tỷ đồng/ngày, trong khi mỗi ngày ước tính phải thu khoảng 1.500 tỷ đồng mới đảm bảo dự toán là con số rất đáng lo ngại.

Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất các giải pháp điều hành NSNN chặt chẽ, linh hoạt, tiết kiệm, tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân khó khăn. Về thu NSNN, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực có điều kiện, quyết liệt xử lý thu hồi nợ đọng thuế.

Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất các giải pháp điều hành NSNN chặt chẽ, linh hoạt.
Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất các giải pháp điều hành NSNN chặt chẽ, linh hoạt.

Hỗ trợ doanh nghiệp cũng là một trong các giải pháp Bộ Tài chính kiên định thực hiện, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, từ đó có số thu về cho NSNN. Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền ban hành: gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19; giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong cả năm 2021; miễn, giảm thuế, tiền chậm nộp trong năm 2021 để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, hộ và cá nhân kinh doanh và hoạt động của một số nhóm ngành dịch vụ (du lịch, vận tải, lưu trú, ăn uống, chiếu phim, thể thao, giải trí,...). Ngoài ra, thực hiện: giảm 30% tiền thuê đất phải nộp năm 2021; miễn, giảm 30 loại phí, lệ phí trong năm 2021; cho tính vào chi phí các khoản chi ủng hộ, tài trợ (tiền, hiện vật) cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.

Tổng số tiền thực hiện các chính sách nêu trên dự kiến khoảng 140 nghìn tỷ đồng. Ước tính số tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí được miễn giảm, gia hạn đã đạt khoảng 95,1 nghìn tỷ đồng cho khoảng 120 nghìn doanh nghiệp và gần 20 nghìn hộ, cá nhân kinh doanh.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thu, kết quả thực hiện thu NSNN, thu ngân sách đã “cán đích” sớm 1 tháng so với kế hoạch (thu NSNN 11 tháng đã vượt 3,4% kế hoạch). Tính chung năm 2021 ước vượt dự toán 4 - 5% đã góp phần đảm bảo các nhiệm vụ theo dự toán và xử lý các nhiệm vụ đột xuất phát sinh về phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch, đảm bảo an sinh xã hội.

Triệt để tiết kiệm chi, dồn lực cho phòng, chống dịch

Về chi NSNN, để chủ động ưu tiên cân đối nguồn cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, kinh phí công tác trong và ngoài nước. Ngoài ra, tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Các địa phương chủ động sử dụng nguồn dự phòng, dự trữ và nguồn lực hợp pháp khác (gồm tiền lương còn dư) để chi phòng, chống dịch Covid-19, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 12,1 nghìn tỷ đồng nguồn tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2020 để mua vắc-xin; bổ sung 14,62 nghìn tỷ đồng tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương vào dự phòng ngân sách trung ương chi cho phòng, chống dịch.

Nhờ vậy, các chỉ tiêu về bội chi, nợ công, nợ Chính phủ đều trong phạm vi Quốc hội quyết định.

Nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, đại biểu Quốc hội, đại diện hiệp hội doanh nghiệp cũng như các tổ chức trong và ngoài nước đã dành lời khen ngợi cho Bộ Tài chính trong công tác chỉ đạo điều hành chính sách tài chính - NSNN năm qua. Các chính sách của Bộ Tài chính đã thể hiện sự chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia kinh tế, cùng với việc thực hiện các giải pháp tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh hiện đại hoá toàn diện các lĩnh vực của ngành Tài chính. Đặc biệt, cải cách thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp..., đã kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển, từ đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

* Ông Mai Sơn - Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội:

Tăng thu ngân sách nhờ quản lý tốt kinh doanh thương mại điện tử

Ngành Tài chính sớm “về đích” thu ngân sách
Ông Mai Sơn

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, tác động mạnh đến tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn, bám sát chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên, cộng với sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức; triển khai tích cực các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người nộp thuế, tổng thu ngân sách năm 2021 do cục thuế quản lý ước đạt 237.179 tỷ đồng, đạt 109,3% dự toán pháp lệnh.

Góp phần vào kết quả tích cực trong thực hiện dự toán thu năm 2021, bên cạnh sự chủ động trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ, giải pháp của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, của UBND thành phố Hà Nội, Cục Thuế TP. Hà Nội luôn chú trọng nắm bắt những phương thức sản xuất kinh doanh mới, đặc biệt là các hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số để có những đề xuất về chính sách và phương pháp quản lý hiệu quả, qua đó mở rộng nguồn thu, chống xói mòn cơ sở thuế.

Cục thuế đã xây dựng, hoạch định các chương trình, kế hoạch triển khai chi tiết trên cơ sở các kế hoạch của Tổng cục Thuế về đề án quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử và kế hoạch phát triển thương mai điện tử trên địa bàn TP. Hà Nội của UBND thành phố. Qua đó, đã nhận diện mô hình hoạt động, dòng tiền của các hoạt động thương mại điện tử để thực hiện phân loại các nhóm đối tượng quản lý và xác định biện pháp cụ thể đối với từng nhóm.

Nhờ sự chủ động, tích cực của cơ quan thuế, nên năm 2021, các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số đã đóng góp cho thu ngân sách trên địa bàn khoảng 14.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6% tổng thu và 10% thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

* Ông Đinh Ngọc Thắng - Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh:

Cơ chế kiểm soát linh hoạt, trọng điểm, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tuân thủ

Ngành Tài chính sớm “về đích” thu ngân sách
Ông Đinh Ngọc Thắng

Cơ quan hải quan là đơn vị tuyến đầu kinh tế, đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng và an ninh, an toàn thương mại qua biên giới. Dự báo năm 2022, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là biến chủng Omicron, cước phí logistics quốc tế tăng cao, hiện tượng lưu hàng hoá tại cảng quá hạn... sẽ khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK) gặp khó khăn.

Trước tình trạng trên, để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ về trang thiết bị chống dịch, tiêm tăng cường vắc xin cho cán bộ công chức. Bên cạnh đó, kiến nghị Tổng cục Hải quan có cơ chế kiểm soát linh hoạt, trọng điểm, tạo điều kiện các doanh nghiệp tuân thủ, kiểm soát chặt đối tượng có nguy cơ rủi ro cao.

Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, tạo xung lực, rút ngắn thời gian cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.

Về hoạch định, xây dựng thể chế, theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, kim ngạch XNK hàng hóa trong năm 2021 tăng trưởng mạnh bất chấp đại dịch. Chính vì vậy, công tác xây dựng thể chế đồng bộ với hệ thống hải quan thông minh, phù hợp cam kết quốc tế, tạo thuận lợi thương mại.

* Ông Cao Ngọc Tuấn - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh:

Sự chủ động trong điều hành thu giúp hoàn thành vượt dự toán

Ngành Tài chính sớm “về đích” thu ngân sách
Ông Cao Ngọc Tuấn

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đã tác động trực tiếp đến việc thu ngân sách nhà nước (NSNN) khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh suy giảm mạnh. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng có những tác động đến dự toán thu nội địa.

Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm 2021, cục thuế đã chủ động đánh giá tác động của dịch bệnh đến số thu ngân sách theo các kịch bản tăng trưởng; tham mưu cho tỉnh để có các phương án cụ thể, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước. Kết quả, tổng thu năm 2021 do cục thuế thực hiện ước đạt 40.900 tỷ đồng, đạt 127% dự toán pháp lệnh, 105% dự toán tỉnh giao và bằng 110% cùng kỳ.

Có được kết quả trên là nhờ sự chủ động, sáng tạo, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt đã giúp cho Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, đạt được mục tiêu “kép” là vừa hoàn thành nhiệm vụ thu, vừa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh.

Năm 2022 dự báo sẽ tiếp tục có nhiều những khó khăn, thách thức, do đó chúng tôi sẽ tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, UBND tỉnh Quảng Ninh để triển khai kịp thời các giải pháp đã đề ra, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ công tác đã được giao.