Ngày 9/6: Giá dầu thô và gas đồng loạt giảm
Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 0,62% xuống 70,85 USD/thùng. Ảnh: T.L

Giá dầu thô tiếp tục giảm

Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 0,62% xuống 70,85 USD/thùng vào lúc 7h18 ngày 9/6 (giờ Việt Nam), trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 8 giảm 0,03% xuống 75,52 USD/thùng.

Giá dầu thô giảm trong phiên giao dịch ngày 8/6, nhưng đã phục hồi từ mức giảm mạnh đầu phiên, sau khi Mỹ và Iran phủ nhận báo cáo rằng họ đã gần tiến tới một thoả thuận.

Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent giảm 1,3% xuống 75,96 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,7% xuống 71,29 USD.

Giá dầu đã giảm trước đó sau khi Mỹ báo cáo dự trữ xăng tăng cao hơn dự kiến ​​vào thứ Tư (7/6). Điều đó làm dấy lên mối lo ngại về nhu cầu nhiên liệu của Mỹ, với mùa lái xe cao điểm vào mùa hè đang diễn ra.

Những lo ngại về nhu cầu đã làm lu mờ triển vọng nguồn cung bị thắt chặt hơn sau khi Saudi Arabia cam kết tại cuộc họp vào cuối tuần trước của OPEC+ về việc giảm sản lượng dầu thô thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7.

Giá gas giảm mạnh

Giá gas hôm nay (9/6), trên thị trường thế giới giảm 1,36% xuống mức 2,32 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 7/2023.

Nhà phân tích tại Citigroup cho biết, giá khí đốt toàn cầu có thể giảm tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu yếu và nguồn cung ổn định buộc các thị trường châu Âu và châu Á phải trải qua tình trạng giảm giá như tại Hoa Kỳ.

Sản lượng dầu toàn cầu và khí đốt tự nhiên của Hoa Kỳ vẫn đang tăng lên trong khi LNG toàn cầu không thay đổi. Tuy nhiên, giá dầu có thể dao động trong khoảng từ 72 đến 90 USD/thùng ngay cả khi Ả Rập Saudi cắt giảm sản lượng mới nhất, giá khí đốt tự nhiên và than toàn cầu lại có nhiều khả năng giảm giá hơn.

Giá khí tự nhiên tại khu vực Châu Âu (được giao dịch qua trung tâm TTF tại Hà Lan) trung bình trong tháng 5/2023 là 10,11 USD/MMBtu, giảm hơn 25% so với tháng trước. Lượng khí tồn kho của Châu Âu (cuối tháng 4/2023) đạt 62 tỷ m3, tăng 80% so với năm trước và cao hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm (40 tỷ m3).

Nhu cầu công nghiệp tại Châu Á vẫn chưa quay trở lại và không có cú sốc cung đáng kể nào đã kéo giá LNG xuống 9,88 USD/MMBtu (mức thấp nhất trong hai năm qua). Nhật Bản và Hàn Quốc, Ấn Độ vẫn có đủ hàng tồn kho để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Thị trường LNG toàn cầu dự kiến sẽ trở lại trạng thái cân bằng trong giai đoạn 2026 - 2027 khi làn sóng lớn các dự án sản xuất LNG mới đi vào hoạt động. Hoa Kỳ dự kiến đưa vào vận hành một loạt nhà máy sản xuất LNG mới, kéo theo sản lượng tăng thêm hơn 104 triệu tấn/năm. Xuất khẩu khí đốt của Bắc Mỹ dự kiến đạt 135,8 tỷ mét khối vào năm 2023, tăng 14% so với năm ngoái./.