"Muốn đi học nghề để làm gương cho con"

Người đàn ông được nhắc đến ở trên chính là ông Bùi Văn Quyết, ở phố Xuân Ái, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh. Dù đã 54 tuổi, là lao động kỹ thuật cao - chủ thầu xây dựng lớn ở Bắc Ninh nhưng ông Quyết lại tạm gác công việc để đăng ký đi học nghề.

Hiện ông và cậu con rể đang là học sinh năm nhất của khoa Xây dựng thuộc Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh. Chia sẻ về lý do đăng ký học nghề, ông Quyết kể: "Trước đây, trong một lần ngồi ăn cơm cùng đại gia đình, tôi nói chuyện vui với các con, mình làm nghề không có bằng cấp thì không được, vì thế tôi quyết tâm đi học để làm gương cho các con".

Sau 2 ngày lân la đi tìm hiểu về các trường nghề và cuối cùng ông chọn học nghề xây dựng tại Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh. Đăng ký nhập học, nộp học phí xong, ông về chia sẻ với 2 con và các con ông cũng đồng ý đi học theo bố. Hiện tại con trai của ông Quyết học nghề điện điện lạnh, còn con rể học nghề xây dựng.

Ông Quyết chia sẻ, ngày nói chuyện đi học nghề, vợ ông gàn, bởi: "Bà ấy cũng lăn tăn lắm, kêu đang yên ổn, công việc thuận lợi, đi học làm gì. Tôi chỉ cười bảo đi học làm gương cho con cái. Lúc thấy ông cụ 82 tuổi còn đăng ký thi THPT tôi còn trêu bà ấy: Đấy bà thấy không! người ta 82 tuổi còn đi học, đi thi, tôi mới có hơn năm mươi thì phải đi học chứ".

Nói vậy, nhưng thời gian sau thì vợ ông Quyết cũng đồng thuận, sau dần thấy chồng con đi học vui vẻ thì quay sang ủng hộ. Không chỉ có vợ, hàng xóm, mà cả bạn bè còn động viên ông cố gắng học tập.

Noi gương bố, con trai của ông - Bùi Văn Long Khánh (20 tuổi) đã đăng ký học nghề trung cấp điện điện lạnh. Long Khánh cũng từng là công nhân của Công ty Hồng Hải, thu nhập mỗi tháng cũng từ 10 -12 triệu đồng, nhưng nghe lời khuyên của bố cậu vẫn nghỉ việc để đi học nghề.

Khánh kể: "Lương cao nhưng công việc cũng không ổn định. Nhiều khi trò chuyện mấy chuyên gia nước ngoài hay quản lý vẫn thường hay hỏi mày học gì ra, nhiều lúc cũng thấy chạnh lòng. Đi làm tiền lương cao thì cũng thích thật, nhưng quan trọng là muốn học có bằng cấp để làm việc lâu dài"- Long Khánh nói.

Người đàn ông 54 tuổi vẫn cùng 2 con đăng ký học nghề
Ông Bùi Văn Quyết: “Muốn đi học nghề để làm gương cho con”. Ảnh: QA

Học nghề nâng cao tay nghề để thích ứng, không bị đào thải

Nhớ lại ngày đầu nhập học, ông Quyết vẫn còn hồi hộp. Ông nói, lúc đầu cũng ngần ngại nhưng nghĩ học là được nên ông quyết tâm. Đặc biệt, sống ở vùng đất công nghiệp, quê hương có hàng trăm nhà máy xí nghiệp nhưng đời sống công nhân vẫn khó khăn. Tình trạng công nhân tới tuổi 35-40 bị sa thải nhiều khiến ông Quyết nghiệm ra rằng: "Không có kỹ năng, không có bằng cấp là không được. Sớm muộn gì thì cũng bị đuổi việc".

Đặc biệt, với kinh nghiệm gần 30 năm làm nghề, ông cho rằng, xã hội càng phát triển, nhu cầu xây dựng các công trình hiện đại đòi hỏi người thợ cần phải có những kỹ năng cao cũng sẽ tăng lên. Vì thế nếu không có kỹ thuật, không có tay nghề thì không thể tận dụng được các cơ hội.

"Nhiều người trêu tôi: ông đi học làm gì? học để về hưu à?, tôi cười. Dù học để về hưu đi nữa thì vẫn tốt. Chí ít khi ra công trường xây dựng, mình cầm cái bản vẽ mình cũng hiểu chỗ này chỗ kia xây thế nào, làm kiểu gì."- ông Quyết chia sẻ.

Người đàn ông 54 tuổi vẫn cùng 2 con đăng ký học nghề
Ông Quyết (áo xám) thực hành tại lớp học nghề. Ảnh: QA

Nhập học được 2 tháng, ông cùng con rể đều đặn ngày ngày tới trường. Ông bảo đi học thấy vui, vì mấy học sinh cùng lớp đều đáng tuổi con tuổi cháu. Có lúc chúng gọi vui vui là ông, có lúc lại xưng anh, xưng chú... (ông Quyết cười).

Thấy sự quyết tâm của bố, nên Nguyễn Văn Điệp (1995) - con rể ông Quyết cũng ngày ngày lên lớp cùng bố, chiều chiều lại ra công trường xây dựng làm việc.

Điệp kể: "Dù đi làm thợ xây dựng đã chục năm, kiến thức, kinh nghiệm cũng có không ít nhưng lúc đi học vẫn thấy nhiều kiến thức mới, đáng để học hỏi".

Điệp cũng cho biết, học xong trung cấp cậu dự định sẽ học lên cao đẳng để sau này có thể nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.

Ông Nguyễn Quốc Huy - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh cho biết, lần đầu tiên nhà trường ghi nhận trường hợp có 3 bố con trong một gia đình cùng nhập học trong một trường. Đáng nói, tấm gương người bố thật là đáng để các con và xã hội noi gương.

Cũng theo ông Huy, năm học 2022-2023, lần đầu tiên nhà trường tuyển sinh chạm mốc 1.500 học sinh. Đây cũng là năm nhà trường bắt đầu đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số trong dạy và học./.