nqh

Buổi tọa đàm diễn ra theo hình thức trực tuyến do ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng chủ trì. Ảnh: HHNH.

Tại tọa đàm, một số ý kiến cho rằng, việc đánh giá xếp hạng tổ chức tín dụng cần có tiêu chí đánh giá rõ ràng hơn trên cơ sở xem xét đến tính chất đặc thù của các nhóm ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Chẳng hạn, đại diện Agribank cho biết, tính chất của Agribank đa số khoản vay nhỏ lẻ. Do đó, chí phí về hồ sơ, con người, quản lý giải ngân... tính trên từng khoản vay là rất lớn; rất khó để so sánh với những ngân hàng có đặc thù cho vay các khoản lớn.

Tương tự, việc đánh giá số lượng vi phạm để xác định điểm vi phạm của ngân hàng cũng nên xem xét đến số lượng chi nhánh. Đại diện Agribank cho rằng, việc đánh giá vi phạm nên đối chiếu với số lượng chi nhánh thì mới có thể so sánh chính xác được các ngân hàng với nhau, với quy mô số chi nhánh khác nhau.

Trong khi đó, dưới góc nhìn của công ty tài chính, đại diện một số công ty tài chính cho biết, đặc thù công ty tài chính là cho vay cá nhân và không có tài sản đảm bảo.

Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của công ty tài chính đương nhiên là cao hơn so với ngân hàng. Do đó, các công ty tài chính cũng đề cập yếu tố đặc thù để có tiêu chí chấm điểm riêng cho công ty tài chính, thay vì tính chung cùng nhau như hiện nay.

Theo quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN, các ngân hàng thường được phân thành 2 nhóm để xếp hạng: Nhóm ngân hàng thương mại có quy mô tổng tài sản trên 100 nghìn tỷ đồng và nhóm ngân hàng thương mại có quy mô tổng tài sản từ 100 nghìn tỷ đồng trở xuống.

Tuy nhiên, trong hệ thống tổ chức tín dụng hiện nay, quy mô tổng tài sản của các ngân hàng thương mại không đồng đều và có sự chênh lệch rất lớn về cấp độ. Do đó, một số ý kiến cho rằng, ban soạn thảo nên xem xét phân nhóm các ngân hàng thương mại theo các cấp độ chi tiết hơn.

Theo đại diện Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng, thời gian qua, kết quả đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (như: Moody’s, Fitch Ratings, Standard&Poor’s) đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam rất sát với thực tế.

Vì vậy, đại diện Câu lạc bộ Pháp chế đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét xây dựng quy định xếp hạng các ngân hàng thương mại Việt Nam như đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế. Cụ thể chia nhỏ xếp hạng trong các xếp hạng lớn A, B, C, D, E thành các mức nhỏ hơn như A1, A2, B1, B2,… để đảm bảo ghi nhận việc phân loại được chính xác và đầy đủ nhất.

Việc chia các mức xếp hạng chỉ gồm A, B, C, D, E như hiện tại đang quá rộng. Dải điểm trong một hạng cũng khá lớn khiến nỗ lực của các ngân hàng trong việc cải thiện điểm số chưa được ghi nhận đúng. /.

Chí Tín