Nhiều ý kiến đóng góp về giá đất, bảng giá đất

Buổi tọa đàm khoa học ‘‘Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)’’, các ý kiến đã tập trung vào các quy định liên quan đến vấn đề tài chính đất đai và các vấn đề khác có liên quan thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Buổi tọa đàm do GS.TS Trần Thọ Đạt - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chủ trì đã thu hút sự tham gia từ nhiều chuyên gia kinh tế, nhà khoa học và giảng viên các trường đại học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, GS.TS Trần Thọ Đạt cho biết, buổi tọa đàm nhằm thực hiện Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Công văn số 133/QLCS-TNĐ ngày 27/2/2023 của Cục Quản lý Công sản - Bộ Tài chính về việc tham gia ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trên cơ sở nội dung thảo luận gồm: các khoản thu tài chính từ đất đai (Điều 147, 148, 149, 150…); giá đất (Điều 154, 156, 113, 152…); quản lý đất công (Điều 4, 208, 134, 192, 220, 118…), GS.TS Trần Thọ Đạt yêu cầu sự tích cực và trách nhiệm trong đóng góp ý kiến của tất cả các thành phần tham gia buổi tọa đàm.

Trên cơ sở đó, PGS TS Nguyễn Anh Phong - Trưởng Khoa Tài chính Ngân hàng Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đã có những góp ý liên quan đến giá đất (Điều 147; Điều 149 về các khoản thu dịch vụ công từ đất, để công bằng phải đánh thuế lũy tiến; Điều 148 có điểm mâu thuẫn với luật ngân sách…).

Quang cảnh buổi toạ đàm. Ảnh: Đỗ Doãn
Quang cảnh buổi toạ đàm. Ảnh: Đỗ Doãn

Ông Phong kiến nghị, tại Điều 154, ở khoản 3, trường hợp khi thu hồi đất thì bồi thường theo giá nào, đây là phần bị thiếu cần bổ sung. Trong khi đó, ở Khoản 4, các trường hợp tính thuế tiền sử đất (SDĐ) phi nông nghiệp, giá đất ổn định 5 năm. ‘‘Tình trạng này sẽ ‘‘đẻ’’ thêm việc trong quản lý nguồn thu bởi có bảng giá đất hàng năm và 5 năm, gây bất bình đẳng trong tạo nguồn thu cho ngân sách do có nhiều mức giá. Giá đất để tính thuế SDĐ phi nông nghiệp, tính tiền thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm ổn định trong 5 năm, trong khi bảng giá đất lại điều chỉnh hàng năm" - ông Phong nói.

Ông Phong kiến nghị nên bổ sung cơ quan định giá độc lập, làm giá tham chiếu để cơ quan Nhà nước tham khảo. Đối với Điều 126 về đấu giá quyền SDĐ, dự thảo luật vẫn chưa thỏa mãn các điều kiện về năng lực người tham gia, đặc biệt là ràng buộc để tránh trường hợp đấu trúng rồi bỏ không mua nữa. Ngoài ra, ông Phong cũng yêu cầu bổ sung tỷ lệ phần trăm của riêng từng loại đất đối với đất sử dụng đa mục đích (Điều 209) để không mất thời gian khi triển khai sau này.

Bổ sung khái niệm đất hoang hóa

Trong khi đó, theo TS Trần Trung Kiên - Giám đốc chương trình Thuế, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, cơ sở để xác định giá đất, giá bồi thường đều phải dựa trên cơ sở giá thị trường để đảm bảo tính công bằng và hiệu quả, nhưng để quy định rõ hơn thì cần có nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính

Các ý kiến sẽ được tập hợp gửi cơ quan soạn thảo để chọn lọc

Kết thúc buổi tọa đàm, GS.TS Trần Thọ Đạt cho biết, hầu hết các nội dung cần xin ý kiến để thảo luận chuyên sâu, bày tỏ quan điểm thống nhất và những ý kiến khác đều đã được thảo luận. Tất cả ý kiến đóng góp sẽ được Ban Tổ chức tập hợp đầy đủ và trung thực, gửi Bộ Tài chính, cũng như cơ quan soạn thảo, để ban soạn thảo có thể tiếp thu, chọn lọc nhằm đem lại hiệu quả cao nhất một khi các nội dung của dự thảo được ban hành.

Về Điều 147, ông Kiên cho rằng cần tạo thêm không gian cho Luật thuế Bất động sản sắp ra đời (Dự thảo năm 2024, trình Quốc hội năm 2025). Do chưa quy định rõ nên luật thuế sắp tới sẽ có những khoản nằm ngoài những khoản phải thu tài chính về đất đai theo dự thảo hiện tại.

Một số ý kiến đóng góp có nội dung liên quan như cần quy định rõ trách nhiệm của thẩm định viên trong việc thẩm định giá đất, giá đền bù bồi thường giải tỏa nên xác định theo giá thị trường, bổ sung nội dung về xác định tỷ lệ phần trăm của riêng từng loại đất đối với đất thuộc nhóm sử dụng đa mục đích...

Đóng góp ý kiến tại tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Minh Ngọc - Phó Trưởng Khoa, phụ trách Khoa Thẩm định giá - Kinh doanh bất động sản Trường Đại học Tài chính Marketing cho rằng, cần đưa khái niệm “đất hoang hóa” vào Điều 152 do đây là nội dung còn thiếu. Việc bổ sung khái niệm và làm rõ vấn đề này sẽ kích thích các nguồn lực xã hội đầu tư, bởi việc quản lý đất đai của nhà nước hiện nay là chưa đủ lực lượng, nên nếu có cơ chế cho việc sử dụng đất có nguồn gốc hoang hóa sẽ kích thích rất nhiều doanh nghiệp tham gia vào. Thực tế là nhiều doanh nghiệp đã nhận thấy tiềm năng của nhiều khu đất hoang và sẵn sàng đầu tư.

Ông Ngọc cũng nêu một số ý kiến đóng góp liên quan đến Điều 147 (ghi chưa đủ các loại thuế), Điều 148 khoản 2 (không nên dùng từ “hỗ trợ”, mà thay là “bồi thường”), Điều 150 (nên tính giá đất dựa trên nền tảng giá trị), Điều 154 (khoản (i) tính giá trị quyền sử dụng đất, nên đồng bộ trong mọi khâu (định giá, bồi thường) dựa trên nền tảng giá trị, không dựa trên giá trị thị trường), Điều 156 (xác lập lại tiêu chí chuyên gia, hội đồng thẩm định, chi tiết hơn về các nhân tố…).