Lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền tăng 18%

Trong quý II/2021, có 55/63 địa phương gửi báo cáo công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản về Bộ Xây dựng. Báo cáo về lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng của các địa phương cho thấy, có 29.949 giao dịch bất động sản thành công; tổng lượng giao dịch bình quân bằng khoảng 118% so với quý I và bằng khoảng 101% so với cùng kỳ.

giá-căn-hộ
Giá giao dịch căn hộ chung cư tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh bình quân vẫn tăng khoảng 5 - 7%. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Cụ thể, tại miền Bắc có 6.384 giao dịch thành công, tại miền Trung có 7.300 giao dịch thành công và tại miền Nam có 16.265 giao dịch thành công. Nhìn chung, các giao dịch thành công vẫn tập trung nhiều ở phân khúc trung cấp và cao cấp.

Riêng tại tại Hà Nội có 1.094 giao dịch thành công, bằng khoảng 20% so với quý trước; tại TP. Hồ Chí Minh có 3.002 giao dịch thành công, bằng khoảng 87% so với quý trước.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng ghi nhận, trong quý II, cơ bản thị trường vẫn phát triển ổn định, giá giao dịch tại hầu hết các địa phương có xu hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ. Nguồn cung vẫn tập trung chủ yếu là nhà ở trung cấp và cao cấp, nguồn cung nhà ở xã hội và giá thấp còn rất hạn chế.

Báo cáo cũng ghi nhận, giá giao dịch nhà ở riêng lẻ trong các dự án tại nhiều địa phương vẫn tăng nhưng không nhiều, bình quân khoảng 3% so với quý trước, lượng giao dịch đối với nhà ở riêng lẻ bằng khoảng 120% so với thời điểm cuối năm 2020. Trong đó, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương là những địa phương có mức giá bình quân tăng cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước.

Đối với nhà ở xã hội, hầu hết dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại các thành phố trọng điểm được đầu tư xây dựng để bán, diện tích căn hộ từ 50 - 70 m2 với mức giá bán dao động dưới 20 triệu/m2.

Hiện tượng tăng giá đất nền nóng cục bộ đã được kiểm soát

Đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay, hiện tượng tăng giá đất nền nóng cục bộ đã được kiểm soát sau khi Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có các văn bản chỉ đạo để chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các thông báo, cảnh báo cũng như công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn (như thông tin quy hoạch sân bay Tec-nich tại Bình Phước, quy hoạch hành chính huyện Thủy Nguyên tại Hải Phòng, điều chỉnh bảng giá đất tại Đà Nẵng…).

Sau kiểm soát được hiện tượng tăng giá sốt nóng cục bộ ở một số địa phương, lượng giao dịch đất nền có xu hướng giảm so với quý trước.

Đối với thị trường văn phòng cho thuê, báo cáo của Bộ Xây dựng ghi nhận, nhu cầu thuê văn phòng và công suất cho thuê văn phòng trong quý II/2021 giảm so với quý trước. Giá cho thuê văn phòng bình quân toàn thị trường trong quý II/2021 cũng giảm nhẹ so với quý trước. Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 gây ra, thị trường văn phòng vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Các văn phòng hạng B và C, đặc biệt là tại khu vực trung tâm đang đạt tỷ lệ lấp đầy tương đối cao cao do có mức giá và diện tích thuê hợp lý.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh doanh mặt bằng thương mại tiếp tục gặp khó khăn, tổng lượng thuê và giá thuê bình quân vẫn có xu hướng giảm so với quý I. Cụ thể, tại khu vực trung tâm của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, giá chào thuê trung bình ở tầng trệt và tầng một cũng trong xu hướng giảm. Mức giá trung bình khoảng 102 USD/m2/tháng tương đương 2.357.000 đồng/m2/tháng, giảm 1,9% theo quý và 1,7% theo năm. Khu vực trung tâm ghi nhận tỷ lệ trống trung bình ở mức 10,8% do một số diện tích trống ở các tầng cao vẫn chưa tìm được khách thuê mới, cũng như bị ảnh hưởng do dịch bệnh. So với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ này đã tăng 10,1%.

Đáng chú ý, nguồn cung mới khách sạn 4 - 5 sao và khu du lịch nghỉ dưỡng trên cả nước vẫn rất hạn chế. Một số dự án khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng đã phải lùi lịch khai trương do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 vào tháng 5. Giá cho thuê bình quân phòng khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng trong quý II giảm khoảng 20 - 25% so với quý trước.

Công suất thuê phòng khách sạn toàn thị trường có xu hướng tăng ở giai đoạn đầu quý II. Tuy nhiên sang nửa cuối quý II, dịch bệnh bùng phát trở lại, các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn lại tiếp tục gặp khó khăn khi nhu cầu thuê và công suất thuê phòng sụt giảm mạnh. Một số khách sạn đăng ký làm địa điểm cách ly có trả phí được coi là một trong những giải pháp tình thế để tăng tỷ lệ lấp đầy phòng và cải thiện doanh thu nhưng có rất ít hiệu quả trong thực tế./.

Văn Tuấn