Tín dụng tiếp tục phục hồi

Theo số liệu từ SSI Research, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm 411 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm, trong khi đó có 678 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Tổng lượng tín phiếu đang lưu hành ghi nhận ở mức 1,43 nghìn tỷ đồng.

Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng hầu như đi ngang xuyên suốt tuần qua và kết tuần, kỳ hạn qua đêm ở mức 2,26% (tăng 1 điểm cơ bản) và kỳ hạn 1 tuần 2,44% (tăng 5 điểm cơ bản).

Các chuyên gia SSI Research cho rằng, nhiều khả năng mặt bằng lãi suất này đang thiết lập mới, cao hơn nhiều so với bình quân trong năm 2021 dưới áp lực của tín dụng hồi phục.

Nhu cầu tín dụng nhích tăng nhờ cầu phục hồi và nỗ lực bơm vốn rẻ

Theo kết quả điều tra xu hướng tín dụng của NHNN, các tổ chức tín dụng ước tính tín dụng tăng 5,3% trong quý I/2022 và 14,1% cả năm 2022 so với cuối năm 2021. Trên thực tế, theo số liệu từ NHNN, đến ngày 10/3, tăng trưởng tín dụng đạt 3,11%, cao hơn khoảng 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái và 0,6 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng ghi nhận vào 25/2.

Các chuyên gia của SSI Research cho rằng, sự phục hồi mạnh mẽ của tín dụng trong giai đoạn đầu năm 2022 phản ánh nhu cầu tín dụng tăng dần của doanh nghiệp sau khi bị gián đoạn do dịch bệnh, cùng với nỗ lực hỗ trợ bơm vốn rẻ của hệ thống ngân hàng thông qua các chương trình cho vay ưu đãi.

Cụ thể, Vietcombank đang triển khai chương trình lãi suất ưu đãi với quy mô 49 nghìn tỷ đồng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian từ 15/3/2022 đến hết ngày 31/3/2023 và lãi suất từ 5,6% - 8,3%/năm. Tương tự, BIDV cũng thực hiện chương trình ưu đãi tín dụng với quy mô 200.000 tỷ đồng, trong đó 100.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh ngắn hạn với lãi suất ưu đãi chỉ từ 5%/năm (kỳ hạn dưới 6 tháng) và 5,5%/năm cho kỳ hạn 6 - 12 tháng.

“Chúng tôi duy trì quan điểm mặt bằng lãi suất trên thị trường đã tạo đáy và kỳ vọng nhích tăng dần về cuối năm. Mức tăng lãi suất sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng hồi phục của nền kinh tế và diễn biến của lạm phát” – Chuyên gia SSI Research nhấn mạnh.

Tỷ giá vẫn ổn định dù FED tăng lãi suất

Trong tuần qua, thị trường tập trung chú ý vào cuộc họp chính sách tháng 3 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Theo đó, FED đã quyết định nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong vòng hơn 3 năm qua và có dự kiến sẽ có thêm 6 lần tăng lãi suất trong năm nay.

Bên cạnh đó, FED đã điều chỉnh lại một số dự báo đối với kinh tế Mỹ trước những diễn biến bất ngờ của thị trường hàng hóa và ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Cụ thể, FED dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong năm 2022 sẽ đạt 2,8%, giảm khá nhiều so với dự báo 4% hồi tháng 12/2021 và lạm phát vào cuối năm nay sẽ ở mức khoảng 4,3%, cao hơn nhiều tỷ lệ lạm phát mục tiêu 2%.

Nhìn chung, các chuyên gia của SSI Research cho biết, các thông báo của FED không gây ra nhiều bất ngờ và giúp diễn biến thị trường tương đối ổn định. Ngoại trừ lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng 15 điểm cơ bản, lên 2,15%. Đồng USD hầu như không có nhiều biến động sau phiên họp và kết tuần chỉ số Dollar-Index giảm 0,9%. Các đồng tiền chủ chốt khác đều tăng giá như EUR +1,2%, GBP +1,1%.

Nhu cầu tín dụng nhích tăng nhờ cầu phục hồi và nỗ lực bơm vốn rẻ

Đối với thị trường ngoại hối trong nước, trong tuần qua, đồng VND giao dịch tương đối ổn định. Trên thị trường liên ngân hàng, USD/VND giao dịch ổn định quanh mức 22.870 đồng/USD, trong khi tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại giảm 10 đồng, kết tuần ở mức 22.690/23.000 đồng (mua vào/bán ra). Tỷ giá trên thị trường tự do cũng giảm nhiệt, giao dịch ở 23.440/23.520 đồng.

Giá vàng trong nước đã nhanh chóng hạ nhiệt, tuy nhiên tốc độ chậm hơn nhiều so với giá vàng thế giới. Cụ thể, giá vàng thế giới giảm mạnh 3,4% trong tuần qua sau lo ngại về Trung Quốc đóng cửa, trong khi đó giá vàng trong nước chỉ giảm 0,4%, giao dịch quanh mức 68 - 69 triệu đồng/lượng./.