Khu Di tích lưu niệm Ban Tài mậu Khu V được xây dựng tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh tư liệu. |
Đi đầu trên mặt trận kinh tế - tài chính
Trước khi thành lập Ban Kinh - Tài, bên cạnh Thường vụ Khu ủy Khu V đã có vài cán bộ chuyên lo công tác kinh tế - tài chính. Năm 1960, khi phong trào cách mạng Khu V phát triển nhanh, vùng giải phóng mở rộng dần, xuyên suốt từ Quảng Trị đến Bình Thuận là nơi cung cấp nhân tài, vật lực trực tiếp cho cuộc kháng chiến. Thời điểm này cũng là lúc Trung ương tăng cường cán bộ từ miền Bắc vào và rút cán bộ từ vùng đã giải phóng lên tăng cường cho Khu V. Giữa bối cảnh đó, thành lập Ban Kinh - Tài Khu ủy khu V trở thành nhu cầu tất yếu, khách quan.
Tháng 4/1960, Khu ủy Khu V họp mở rộng, quyết định thành lập các ban chuyên ngành của Đảng, nhằm giúp Khu ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trong đó, có Ban Kinh - Tài Khu ủy khu V. Ban Kinh - Tài Khu ủy khu V đặt trực tiếp dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Khu ủy Khu V và Bộ Tài chính. Ban bắt đầu hoạt động vào đầu năm 1961.
Để kịp thời phục vụ cuộc Tổng tấn công nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968. Năm 1967, Thường vụ Khu ủy Khu V đã quyết định tách các Tiểu ban thuộc Ban Kinh - Tài thành lập các ban riêng trực thuộc Khu ủy khu V. Tiểu ban Tài chính trở thành Ban Tài - Mậu Khu V gồm có các tiểu ban: Tài chính, Mậu dịch, Ngân tín, Chi viện, Tiểu ban Cung cấp, Văn phòng Ban, Trường Tài chính. Đây là một bước tiến về cơ cấu của Ban Kinh - Tài Khu ủy khu V vào thời điểm lịch sử đó.
Ban Tài mậu Khu V có chức năng nghiên cứu, tham mưu cho Khu ủy Khu V về lĩnh vực kinh tế - tài chính; nghiên cứu xây dựng các chính sách và các biện pháp cụ thể, để phát triển mạng lưới tổ chức hậu cần, phát triển sản xuất đáp ứng cho các lực lượng cách mạng Khu V. Đồng thời, tiếp nhận chi viện của Trung ương và miền Bắc xã hội chủ nghĩa; hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ cho Ban Tài mậu 8 tỉnh trực thuộc các ban, ngành, đoàn thể khu; đào tạo cán bộ làm công tác tài chính, thương nghiệp, ngân hàng.
Hình thành và phát triển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đứng trên một trong những chiến trường khốc liệt ở miền Nam, suốt trong quá trình hoạt động từ năm 1960 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (vào năm 1975), tập thể cán bộ, nhân viên Ban Tài mậu Khu V, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Khu ủy, Khu V đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, ác liệt, hy sinh, luôn là mũi nhọn đi đầu xuyên suốt trên mặt trận kinh tế - tài chính.
Ban Tài mậu Khu V vừa lo củng cố kiện toàn bộ máy, vừa nghiên cứu quán triệt đường lối, chính sách của Đảng, tuyên truyền chính sách kinh tế - tài chính cách mạng, vừa đảm bảo cung cấp tài chính ngân sách (tiền, hàng hóa, quân trang, quân dụng) phục vụ kịp thời cho kháng chiến. Đồng thời đã phối hợp cùng Ban Tài mậu tỉnh, huyện vận động nhân dân tăng gia sản xuất, ủng hộ lương thực, tài chính cho cách mạng; Tiếp nhận, cung cấp hàng chi viện từ miền Bắc vào cho chiến trường Khu V.
Bảo đảm mạng lưới hậu cần, chi viện kịp thời
Ban Tài mậu Khu ủy Khu V đã tham mưu Thường vụ Khu ủy Khu V quyết định ban hành các chính sách, chế độ về tài chính - hậu cần kịp thời, nhất là chính sách, chế độ “Thu tại chỗ” nhằm huy động nguồn lực trong dân bằng mọi hình thức như “Thu lạc quyên”, “Thu đảm phụ nuôi quân” ở cả 3 vùng chiến lược: miền núi, nông thôn, thành thị. Khi vùng giải phóng được mở rộng, Ban Tài mậu đã đề xuất để Khu ủy Khu V ban hành chế độ thu “Đảm phụ Nông nghiệp”, “Đảm phụ Công thương nghiệp”, phát hành “Công phiếu nuôi quân”. Ở vùng địch tạm chiếm, Ban Tài mậu tiếp tục vận động thu với hình thức “lạc quyên” bằng tiền Sài Gòn, đô-la Mỹ, vàng…
Nhiều danh hiệu cao quý dành cho Ban Tài mậu Khu ủy Khu V Trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng ta, của dân tộc ta có phần đóng góp hết sức quan trọng của Ban Tài mậu Khu ủy khu V. Vì vậy, Đảng và Nhà nước đã phong tặng nhiều Huân chương, Huy chương, phần thưởng cao quý cho tập thể, cán bộ nhân viên Ban Tài mậu Khu ủy Khu V. |
Ban Tài mậu đã tham mưu Thường vụ Khu ủy ban hành chính sách, chế độ sản xuất tự túc, tự cấp thống nhất trong toàn Khu V; vận động nhân dân, các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là đồng bào các dân tộc Tây Nguyên hăng hái tăng gia sản xuất, nhằm chủ động tạo nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ phục vụ cuộc kháng chiến. Đồng thời ban hành chính sách thu - chi tài chính, ban hành chế độ, tiêu chuẩn cho từng đối tượng thụ hưởng ngân sách, nhất là tiêu chuẩn lương thực; phân phối ngân sách, quản lý, sử dụng chiến lợi phẩm thu được phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của cuộc kháng chiến khốc liệt.
Nhờ bám sát phong trào, Ban Tài mậu phối hợp Quân Khu V tham mưu Thường vụ Khu ủy Khu V đề xuất Trung ương chi viện kịp thời cho Khu V ngân sách, lương thực, thực phẩm, thuốc men, dụng cụ y tế, quân trang, quân dụng nhất là vũ khí, khí tài đáp ứng nhu cầu cần thiết phục vụ chiến đấu của quân và dân Khu V.
Không chỉ thế, lực lượng của Ban Tài mậu Khu V còn tổ chức bám, đánh địch trên đường vận chuyển, hoặc khi chúng dùng thám báo, biệt kích thâm nhập kho tàng. Biết bao cán bộ, nhân viên của ngành Tài mậu Khu V đã cống hiến cả tính mạng và tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Để hoàn thành nhiệm vụ to lớn và khó khăn trên, lãnh đạo Ban Tài mậu khu V bất kỳ trong hoàn cảnh khó khăn, ác liệt, gian khổ đến đâu cũng không bao giờ xao nhãng nhiệm vụ chính trị của mình; vừa tổ chức bộ máy, vừa triển khai nhiệm vụ. Nhờ biết cách tổ chức, toàn Ban đoàn kết thống nhất, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, đồng cam cộng khổ “Hạt gạo cắn đôi, củ khoai bẻ nửa”, không sợ gian khó, hy sinh, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho đến ngày toàn thắng 30/4/1975.
Tri ân các thế hệ cán bộ ngành Tài chính tại các tỉnh Khu V Trân trọng sự hy sinh, cống hiến của các thế hệ cán bộ ngành Tài chính nói chung và cán bộ Tài mậu Khu V nói riêng, trong những năm qua, Bộ Tài chính đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân nhằm tôn vinh, ghi nhận sự đóng góp, hy sinh, cống hiến to lớn của các thế hệ cán bộ ngành Tài chính tại các tỉnh Khu V. Khu Di tích lưu niệm Ban Tài mậu Khu V được xây dựng tại Khu căn cứ cách mạng Nước Oa - huyện Bắc Trà My được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Tài chính với mong muốn đây sẽ là một công trình có tính biểu tượng, bày tỏ lòng biết ơn của thế hệ hôm nay đối với cán bộ Tài mậu Khu V, đặc biệt là sự hy sinh của hơn 120 liệt sỹ - những cán bộ Tài mậu Khu V đã hy sinh xương máu của mình cho sự nghiệp bảo vệ và thống nhất đất nước. |